Hà NộiTrong vòng 5 phút, nữ hộ sinh quỳ gối dùng tay đẩy đầu thai nhi, đồng thời giữ dây rốn, còn kíp bác sĩ mổ lấy thai, cứu sống hai mẹ con. Ngày 7/3, bác sĩ Phan Mạnh Tiến, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, cho biết sản phụ 25 tuổi, mang thai lần hai, đau bụng từng cơn liên tục, có dấu hiệu chuyển dạ. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị sa dây rốn, suy tim thai, nguy kịch, được đưa lên phòng mổ gấp. Cùng lúc đó, một nữ hộ sinh dùng tay đẩy đầu thai, đồng thời sử dụng ngón tay giữ dây rốn để đầu em bé không đè vào dây rốn, có thể gây tử vong đột ngột. Toàn bộ quá trình diễn ra không quá 5 phút. Bé trai chào đời nặng 3,1 kg, hô hấp yếu, tái nhợt, được cấp cứu hồi sức tại chỗ. Sau 5 phút, bé khóc to, thở tốt, nhịp tim ổn định. Hiện, sức khỏe hai mẹ con ổn định. Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối hay sau khi vỡ ối. Đây là tình huống cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp. Khi ấy cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông, hoặc sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng em bé sẽ chết trong vòng 30 phút. Thông thường cứ 300 trẻ chào đời có một ca bị sa dây rốn. Những trường hợp có nguy cơ cao là mang thai đôi, sinh nở nhiều lần, dây nhau quá dài, bất thường về tử cung, ngôi thai. Chẩn đoán sa dây rốn khi chuyển dạ nhờ thăm khám cổ tử cung sờ thấy dây rốn bị sa. Ngoài ra, siêu âm cho phép chẩn đoán sa dây rốn, đặc biệt siêu âm Doppler màu. Theo bác sĩ Tiến, đến nay chưa có biện pháp cụ thể nào ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Do đó, các thai phụ cần khám thai định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ, từ đó đề xuất phương án sinh nở an toàn. Minh An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress