Khủng hoảng vật tư lan nhiều viện, bệnh nhân tự lo dụng cụ y tế

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 3, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 106)

    Nhiều bệnh viện trên cả nước đang cố cầm cự do thiếu vật tư y tế, bệnh nhân phải tự mua dụng cụ cho bác sĩ cấp cứu, trong khi những vướng mắc về quy định mua sắm chưa được Chính phủ tháo gỡ.


    Cách đây hai tuần, con trai anh Nam, ở Hà Nội, bị gãy tay, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu. Bác sĩ thông báo bệnh viện không có bột để bó tay cho trẻ, do thiếu vật tư y tế. "Tôi phải mua bột ở chính quầy thuốc của bệnh viện mang vào phòng cấp cứu để bác sĩ bó tay cho con", anh Nam nói.

    Tại TP HCM, ông Dân, hơn 50 tuổi, bị bệnh gan, theo dõi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi kỳ tái khám là vô cùng mệt mỏi. Do thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu..., Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến một đơn vị liên kết để chụp chiếu.

    Ông Dân phải di chuyển khoảng 8 km từ Bệnh viện Chợ Rẫy ở quận 5 đến phòng chụp liên kết tại quận Tân Phú. Buổi sáng ông đi rất sớm để lên xe trung chuyển hoặc tự đi bằng xe máy, chụp xong ngồi cả ngày tại đây chờ lấy kết quả, sau đó mang trở lại Chợ Rẫy cho bác sĩ hội chẩn. "Tái khám xong là tôi mệt đến không đi nổi nữa", ông cho biết.

    Bệnh viện tuyến huyện hoặc các tỉnh cũng căng thẳng do thiếu vật tư y tế. Nhiều người bệnh phàn nàn "cắt ruột thừa cũng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên vì viện tuyến dưới không đủ vật tư y tế" hay "đi đẻ bệnh viện không có chỉ khâu vết mổ, người nhà phải tự mua". Anh Hoàng, ở Bình Dương, kể anh được bác sĩ đề nghị đến phòng khám tư hoặc bệnh viện tư để xét nghiệm rồi mang kết quả về, bởi bệnh viện công không có hóa chất xét nghiệm.

    Một bác sĩ bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội, cũng cho biết do thiếu vật tư nên bệnh viện chỉ xử lý ban đầu cho bệnh nhân cấp cứu sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên thay vì can thiệp tại chỗ. Đây cũng là một trong những lý do khiến bệnh viện tuyến cuối về ngoại khoa, chuyên phẫu thuật như Việt Đức, đông bệnh nhân mổ, với hơn 79.000 ca phẫu thuật trong năm 2022 đến nay.

    Nay, cả Việt Đức cũng không cầm cự nổi, từ ngày 1/3 phải hạn chế mổ phiên để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết. Bệnh nhân lo lắng đổ xô đến viện khám để được xếp lịch mổ.


    [​IMG]

    Bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, ngày 1/3. Ảnh: Lê Nga


    Nhiều bệnh viện cố cầm cự

    Trên thực tế, tình trạng thiếu vật tư, hóa chất đang xảy ra ở nhiều bệnh viện cả nước, không chỉ tại các bệnh viện tuyến cuối như Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai. Lãnh đạo một số Sở Y tế địa phương, bệnh viện đều cho rằng đây là bài toán cần lời giải từ Chính phủ, và giải sớm, bởi người thiệt thòi nhất chính là bệnh nhân.

    Sáng 3/3, đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết nơi đây lâm vào tình trạng "chờ cấp cứu" vì thiếu hóa chất, vật tư y tế. Hiện bệnh viện chỉ mới đấu thầu được khoảng 50% vật tư, hóa chất y tế có đủ ba báo giá, còn lại vẫn đang đợi. "Bệnh viện đang cố gắng cầm cự, chưa phải dừng hoạt động hay dừng mổ cấp cứu", đại diện Đức Giang cho biết, nhưng thêm nếu khó khăn kéo dài cũng không biết cầm cự được đến khi nào.

    Bệnh viện Lão khoa Trung ương chủ yếu điều trị nội khoa, quy mô nhỏ, theo đại diện viện là có chuẩn bị từ trước nên vẫn đang cố gắng "cầm hơi qua ngày". Tại đây, một số máy mượn, máy đặt hết hạn nhưng chưa có máy bổ sung, buộc phải dùng hóa chất trên thiết bị cũ. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận từ 500 đến 600 lượt khám. "Hiện, bệnh viện tạm dừng một số xét nghiệm nhỏ lẻ, cố gắng chữa cháy tạm thời, song cần sớm có hướng tháo gỡ để giải quyết triệt để, không để người bệnh thiệt thòi", bác sĩ nói.

    Bệnh viện các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang... cũng gặp tình hình tương tự. Đại diện Sở Y tế Hải Phòng đánh giá "đây là khó khăn chung" của toàn ngành y tế, ở bệnh viện địa phương cũng thiếu thốn song không trầm trọng như các bệnh viện tuyến đầu. Khó khăn hiện nay chủ yếu là thẩm định máy móc, quá trình mua sắm thiết bị có nhiều rào cản.

    "Nếu muốn mua sắm, bệnh viện phải tính toán, xem xét và thận trọng hơn rất nhiều để đảm bảo đúng pháp luật, và không ảnh hưởng đến người bệnh", đại diện Sở Y tế Hải Phòng nói và cho rằng đây là bài toán chung, cần gỡ rối từ trên chứ không chỉ là vấn đề của riêng bệnh viện hay tỉnh thành nào.

    Tại Quảng Ninh, nhiều ca bệnh khó, cần can thiệp kỹ thuật khó, buộc phải chuyển viện lên tuyến trên để cứu chữa. "Hiện bệnh viện chưa hạn chế khám, mổ như Bạch Mai, Việt Đức, nhưng không thể duy trì mãi tình trạng này", bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh giải thích.

    Các bệnh viện ở Phú Thọ, Bắc Giang... quy mô nhỏ, chủ yếu xét nghiệm và phẫu thuật nhỏ nên vẫn đang cố gắng cầm cự, chưa có kế hoạch lâu dài để khắc phục.


    [​IMG]

    Máy PET/CT giá 60 tỷ đồng ở Bệnh viện Bạch Mai không hoạt động. Ảnh: Ngọc Thành


    Vì sao thiếu vật tư?

    Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng bệnh viện cạn kiệt vật tư hóa chất là do quy định "3 báo giá". Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), giải thích theo quy định mua sắm đấu thầu ở Thông tư 68 của Bộ Tài chính, giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn, có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền công bố.

    Tuy nhiên, bệnh viện không thể nhận được đầy đủ 3 báo giá trên địa bàn và cũng không thu thập được báo giá trên địa bàn khác. Vấn đề này gây rất nhiều trở ngại cho điều trị và cấp cứu bệnh nhân. "Nếu tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây dựng được giá gói thầu, từ đó chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán, không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị", bác sĩ Thức cho biết.

    Bệnh viện Bạch Mai gặp tình trạng tương tự. Ví dụ, Bạch Mai dự toán mua sắm vật tư can thiệp điện quang, đã mời chào giá 151 danh mục nhiều lần nhưng chỉ có 47 danh mục có 3 báo giá; 33 danh mục có kết quả đấu thầu trong thời gian 90 ngày. Vật tư dùng cho bệnh tiêu hóa, bệnh viện đã mời chào 132 danh mục nhưng chỉ 42 danh mục có 3 báo giá. Bệnh viện đang tiếp tục có thư mời thẩm định, vì vậy hiện tại chưa đủ cơ sở phê duyệt lựa chọn nhà thầu.

    Nguyên nhân thứ hai liên quan đến giấy phép nhập khẩu. Hiện nay, rất nhiều trang thiết bị như hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu, hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1/1 nhưng vẫn chưa được cấp mới hay gia hạn. Do đó, hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.

    Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều mặt hàng được bệnh viện ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, ví dụ vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành...

    Nguyên nhân thứ ba liên quan đến máy đặt, máy mượn. Ông Thức cho biết, các cơ sở y tế công lập như Bệnh viện Chợ Rẫy, đã từ lâu không được đầu tư mới một cách đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại như các thiết bị làm cận lâm sàng, xét nghiệm. Trong khi các hệ thống xét nghiệm được các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt là những hệ thống mới, luôn được cập nhật, bảo trì, bảo hành, đào tạo và không tính phí. Như vậy, hệ thống các máy xét nghiệm mới, hiện đại đã mang nhiều lợi ích trong khám chữa bệnh.

    Hiện nay, hầu hết máy xét nghiệm hiện đại đều sử dụng hóa chất "đóng" (hóa chất sử dụng theo loại máy của hãng sản xuất). Vì vậy, nếu bệnh viện tự đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm thì cũng phải thực hiện đấu thầu mua sắm đúng loại hóa chất tương thích với hệ thống máy đã mua. Như vậy, gây lãng phí kinh phí của Nhà nước để đầu tư mua máy xét nghiệm, thay vì vẫn được các hãng đặt không tính phí.

    Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh. Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt.

    Trước thực tế trên, lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị cần khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bộ Y tế khẩn trương cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98. Về lâu dài, cần xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật đấu thầu; xây dựng giá gói thầu riêng cho ngành y tế, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị; hướng dẫn thanh toán bảo hiểm cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn, đặt.

    Qua sự việc Việt Đức hạn chế mổ, Chợ Rẫy, Bạch Mai lên tiếng về thực trạng thiếu vật tư, hóa chất, một số ý kiến cho rằng các bệnh viện lớn đang "mặc cả đấu thầu", "coi thường tính mạng người bệnh". Một bác sĩ không muốn nêu tên, chia sẻ khi đấu thầu không thành công, bác sĩ cũng chịu nhiều áp lực, không tập trung được vào chuyên môn do phải dành thời gian để tìm hiểu luật, tránh vướng vào pháp lý.

    "Tuyệt đối không có chuyện bác sĩ mang mạng sống bệnh nhân ra mặc cả chính sách. Việc đấu thầu, trang bị vật tư cũng chỉ để cứu bệnh nhân, là điều kiện cần chứ không phải điều kiện kiên quyết", bác sĩ nói.

    Tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế kéo dài từ năm 2022 đến nay do vướng nhiều quy định pháp lý. Năm ngoái, tình trạng thiếu thuốc liên quan chính đến Luật Dược và những quy định về đấu thầu mua sắm quốc gia, song đã được gỡ vướng khi Nghị quyết 80 năm 2023 của Quốc hội được ban hành. Đến nay Bộ Y tế đã ban hành gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cho khoảng 9.000 thuốc các loại, phần nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cho người bệnh tại bệnh viện.

    Lần này, các bệnh viện thiếu vật tư hóa chất y tế chủ yếu do vướng những quy định của Nghị định 98 Chính phủ và Thông tư 68 của Bộ Tài chính, thiếu hướng dẫn chi tiết. Hôm 26/2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bên liên quan, đề nghị các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp sửa quy định về quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số lưu hành.

    Lê Nga - Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Khủng hoảng vật tư lan nhiều viện, bệnh nhân tự lo dụng cụ y tế

Share This Page