Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nhiều bác sĩ, bệnh viện đang cảm thấy "không công bằng" khi phải kiểm điểm về những quyết định mua sắm y tế trong thời gian chống chọi Covid-19. Sáng 3/3, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch, thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết các bác sĩ, đơn vị hai năm trước tiên phong trong cuộc chiến chống Covid-19, được tôn vinh như thiên thần nhưng giờ đây đang phải làm kiểm điểm do Thanh tra Chính phủ kết luận "có nhiều sai phạm khi mua sắm chống dịch", thậm chí phải làm việc với cơ quan điều tra. Kể cả ông Châu, hiện là Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nhưng thời điểm đại dịch Covid-19, ông là Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (tuyến đầu chống dịch) nên cũng phải làm kiểm điểm. "Như vậy thực sự ảnh hưởng đến tâm tư của anh em khi vừa trải qua một trận chiến, tạo tâm lý không công bằng", ông Châu nói và cho biết thêm việc này làm cho nhân viên y tế giảm niềm tin, nhiệt huyết, động lực và sẽ rất khó để huy động tham gia phòng, chống dịch trong tương lai (nếu có) hoặc dè dặt khi mua sắm phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh hiện nay. Ngoài ra, do bị kiểm điểm, các cá nhân, đơn vị này phải chịu ảnh hưởng trong chế độ chính sách thu nhập, bởi theo quy định họ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, tác động đến lương, thưởng. "Trong khi đó những đơn vị không tiên phong trong chống dịch nên không sai, không phải làm kiểm điểm, khi xét thi đua sẽ được xếp hạng xuất sắc", ông Châu nêu nghịch lý. Cuối tháng 12 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ xác định việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống Covid-19 tại TP HCM, thông qua trung gian lợi dụng dịch bệnh nên bị nâng giá, bán cao bất thường. Một số sai phạm đã chuyển công an điều tra. Những cá nhân, đơn vị liên quan bị kiểm điểm. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, phát biểu tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, sáng 3/3. Ảnh: Mỹ Ý Liên quan đến các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, trong hai năm đại dịch, các đơn vị chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống Covid-19. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp vô vàn khó khăn, vướng mắc do chính sách và khung pháp lý chưa hoàn thiện. Dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, diễn biến phức tạp, khó lường, nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Vì vậy, việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa sát với thực tế, các kịch bản phòng chống dịch luôn thay đổi. Việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian này xảy ra nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh... Việc lấy báo giá của các nhà cung cấp cũng gặp khó khăn do giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có một đến hai nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại rất phức tạp. Tương tự, việc tìm công ty thẩm định giá cũng rất khó khăn. Các đơn vị này không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ. Chưa kể, giá cả biến động rất nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm thì giá cả đã giảm xuống. Các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo. "Hôm nay một giá, mai một giá, thậm chí hết hàng không thể mua được", ông Châu nói. Ngoài ra, công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại gặp khó. Một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch có tính đặc thù, không thông dụng, có những loại thiết bị đơn vị chưa sử dụng bao giờ nên rất khó khăn trong việc xây dựng cấu hình. Đồng thời, những khó khăn trong việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm dẫn đến việc chậm muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua được. Từ những thực tế triển khai trên, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM kiến nghị hoàn thành chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, nhằm mua được hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý thay cho mục tiêu mua với giá rẻ nhất. Đặc biệt, có quy định, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phòng, chống dịch. Ông Châu đề nghị khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30. Khi xem xét, đánh giá, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần dựa vào Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về "chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội, đánh giá cao các mô hình y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn thành phố. Đoàn ghi nhận những kiến nghị của Sở Y tế TP HCM, đồng ý đánh giá "việc mua sắm phòng chống dịch Covid-19 cần dựa trên tình hình thực tế và Nghị quyết 30". "Hy vọng những tâm tư của đội ngũ y tế sẽ sớm kết thúc", bà Thúy Anh nói, bày tỏ mong muốn lực lượng y tế thành phố dù khó khăn, vất vả vẫn luôn yêu nghề, tâm huyết với nghề. Dự kiến chiều cùng ngày, đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội sẽ làm việc với UBND TP HCM, nội dung tương tự. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress