Đột ngột tức ngực khó thở, coi chừng viêm cơ tim cấp tính

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 3, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 172)

    Viêm cơ tim hình thành do nhiễm virus hay nấm, làm giảm khả năng bơm máu của cơ quan, dễ gây rối loạn nhịp tim, tức ngực và khó thở.


    Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm hoại tử các tế bào cơ tim. Thuật ngữ mô tả hai tình trạng tim riêng biệt, xảy ra đồng thời, thường là kết quả của việc nhiễm virus. Tình trạng đầu tiên ảnh hưởng đến lớp màng ngoài tim, bao quanh trái tim. Tình trạng thứ hai ảnh hưởng đến cơ tim, lớp bên trong, dày nhất của tim.

    Viêm cơ tim làm giảm khả năng bơm máu của cơ quan, dễ gây ra các vấn đề như nhịp tim bất thường, tức ngực và khó thở. Những trường hợp nghiêm trọng có thể hình thành cục máu đông, dẫn đến đau tim, đột quỵ, tổn thương tim hoặc tử vong.

    Viêm cơ tim có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm cơ tim cấp tính xảy ra đột ngột. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện khoảng một tháng trước khi chẩn đoán. Hầu hết ca viêm cơ tim cấp tính đều khỏi sau khi điều trị.

    Viêm cơ tim mạn tính là tình trạng kéo dài, dai dẳng, khó điều trị hơn, có liên quan đến phản ứng miễn dịch.

    Ở một số bệnh nhân, bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây viêm cơ tim. Đây được gọi là viêm cơ tim vô căn. Các chuyên gia ước tính có khoảng 50% ca viêm cơ tim là vô căn.

    Trong các trường hợp còn lại, nguyên nhân gây bệnh thường do nhiễm trùng. Sinh vật hoặc mầm bệnh tìm đến tim và làm tổn thương các cơ. Một số người bị viêm cơ tim do hệ miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tim.

    Virus là tác nhân phổ biến gây viêm cơ tim. Các virus có thể dẫn đến tình trạng này là coxsackievirus nhóm B, parvovirus B19, adenovirus gây cảm lạnh thông thường, nCoV...

    Viêm cơ tim cũng có thể hình thành do người bệnh bị nhiễm vi khuẩn. Các loại vi khuẩn gây viêm cơ tim là staphylococcus gây bệnh chốc lở, corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch cầu, borrelia burgdorferi gây bệnh Lyme.

    Nguyên nhân hiếm gặp hơn của viêm cơ tim là nhiễm nấm, thường xảy ra ở người có hệ miễn dịch yếu. Loại nấm dễ gây bệnh là Candida hoặc Aspergillus. Candida gây ra nhiễm trùng nấm men âm đạo và bệnh tưa miệng. Aspergillus gây nhiễm trùng phổi ở người suy giảm miễn dịch. Các nguyên nhân còn lại là ký sinh trùng, bệnh tự miễn.

    Viêm cơ tim có thể phát triển mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, các biểu hiện nếu có bao gồm tức ngực, tim đập nhanh, khó thở cả khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức, mệt mỏi, yếu đuối, sưng chân hoặc bàn chân, chóng mặt, ngất xỉu.

    Viêm cơ tim thường do virus gây ra nên người bệnh cũng gặp phải các tình trạng như sốt, nhức cơ thể, mệt mỏi.


    [​IMG]

    Minh họa trái tim hoạt động trong cơ thể. Ảnh: iStock


    Để chẩn đoán viêm cơ tim, trước tiên, bác sĩ cần điều tra bệnh sử, khảo sát triệu chứng, tình trạng nhiễm trùng gần đây, lần chẩn đoán viêm cơ tim trước đó nếu có. Sau đó, bác sĩ khám tim phổi bệnh nhân, kiểm tra bàn chân để tìm dấu hiệu sưng tấy.

    Viêm cơ tim đôi khi khó chẩn đoán, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số xét nghiệm để khoanh vùng triệu chứng như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang ngực, chụp CT tim, chụp cộng hưởng từ, sinh thiết cơ bản.

    Việc điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn.

    Ở người gặp phản ứng miễn dịch thái quá gây viêm cơ tim, bác sĩ dùng corticoid làm giảm cường độ phản ứng, giảm mức độ viêm. Nếu người bệnh có dấu hiệu suy tim, bác sĩ kê đơn thuốc trợ tim, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc tăng co bóp. Điều trị bằng thuốc lợi tiểu cũng có thể làm giảm tích tụ chất lỏng trong cơ thể bệnh nhân.

    Trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân được sử dụng thiết bị hỗ trợ tâm thất, giúp bơm máu từ các buồng dưới của tim lên phần còn lại của cơ thể. Nếu viêm cơ tim là do tình trạng bệnh lý như nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn, bác sĩ sẽ điều trị tùy theo triệu chứng.

    Trong quá trình hồi phục, người bệnh được khuyến nghị nghỉ ngơi nhiều, hạn chế nạp chất lỏng vào cơ thể, giảm lượng muối trong chế độ ăn uống, không hoạt động thể chất cường độ cao trong ba đến 6 tháng sau khi chẩn đoán.

    Viêm cơ tim có thể gây ra hàng loạt biến chứng như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim (tình trạng cơ tim yếu đi và không thể bơm máu hiệu quả), suy tim, đau tim.

    Viêm cơ tim cũng dễ dẫn đến đột tử do tim (SCD), xảy ra khi tim đột ngột mất chức năng và ngừng đập. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Nghiên cứu năm 2019 phát hiện 6% các trường hợp tử vong do SCD là vì viêm cơ tim.

    Các chuyên gia ước tính tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em và thanh thiếu niên là 0,15% đến 0,6%.

    Các chuyên gia cho biết không thể ngăn ngừa hoàn toàn viêm cơ tim. Tuy nhiên, người dân có thể thực hiện các phương pháp tránh nhiễm trùng, làm giảm nguy cơ phát triển tình trạng này. Các bước bao gồm rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, trước khi ăn; tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tiếp xúc gần người bị bệnh; tránh bọ ve có thể truyền bệnh Lyme.

    Thục Linh (Theo Mayo Clinic, Healthline)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Đột ngột tức ngực khó thở, coi chừng viêm cơ tim cấp tính

Share This Page