Áp xe, tắc tuyến sữa sau ba năm không cho con bú

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 1, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 125)

    Hà NộiNgười phụ nữ 40 tuổi, đã cai sữa ba năm, đi khám do tắc tia sữa, ngực sưng đau, nổi u cục, nhiều ổ viêm.


    Ngày 1/3, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị áp xe nặng, ổ viêm lớn, gây đau đớn và ảnh hưởng sinh hoạt.

    Theo bác sĩ, áp xe vú là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp thời kỳ hậu sản, xuất hiện sau sinh 3-8 tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân này cai sữa hơn ba năm nhưng tình trạng áp xe rất nặng. Bác sĩ kê kháng sinh chống viêm mạnh để khống chế ổ viêm, sau đó phẫu thuật chích rạch lấy hết tổ chức viêm, xử lý tổn thương, tránh hình thành ổ áp xe mới. Thời gian hồi phục khoảng hai đến ba tháng.

    Cũng cai sữa một năm, bệnh nhân nữ, 27 tuổi, đi khám do áp xe vú, ngực sưng đỏ, ổ viêm lớn. Cách đây 6 tháng, người bệnh đã gặp tình trạng này nhưng không phẫu thuật. Do đó, bác sĩ quyết định mổ, tránh ổ nhiễm trùng có nguy cơ lan rộng, gây tổn thương tổ chức mềm lành xung quanh.

    Hiện, hai bệnh nhân đều ổn định sức khỏe, được thay băng, vệ sinh vết mổ hàng ngày. Sau khi vết thương lành hẳn, bác sĩ cân nhắc thẩm mỹ theo nguyện vọng.

    Bác sĩ Tỵ cho hay trường hợp bị áp xe vú (khi đã cai sữa thời gian lâu) như hai bệnh nhân trên rất ít gặp, tỷ lệ khoảng 10%. Nếu không phẫu thuật kịp thời, để khối áp xe vú tự vỡ, có thể dẫn đến biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy thận, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, nguy hiểm tính mạng.

    Khi bị áp xe, vú sẽ xuất hiện các nang giống túi chứa đầy mủ, bao quanh bởi các mô viêm. Người phụ nữ mệt mỏi, đau từ ngực lan ra sau lưng, sang bả vai và cánh tay. Vùng da trên ổ áp xe sưng nóng, căng tức, phù tím, sốt cao, rét run, môi khô, đau đầu, sữa có thể lẫn mủ.


    [​IMG]

    Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp


    Để phòng tắc tia sữa dẫn đến áp xe, người mẹ nên massage nhẹ nhàng, cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và đúng tư thế. Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú. Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ.

    Sản phụ tránh làm nứt hoặc xước núm vú, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa. Nên mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn để tránh gây tổn thương. Khi cai sữa, nên giảm dần số cữ bú.

    Khi có dấu hiệu tắc sữa, sản phụ nên chườm mát hoặc massage ngực để thông sữa trở lại. Nếu có vết đỏ, sưng hay đau vùng ngực; núm vú bị tụt vào trong hoặc có dịch mủ chảy; cảm thấy đau khi cho con bú; cơ thể sốt, lạnh run, nên đi khám sớm. Tùy mức độ, bác sĩ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc can thiệp như chích rạch, chọc hút, tránh để ổ áp xe lan rộng.

    Minh An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Áp xe, tắc tuyến sữa sau ba năm không cho con bú

Share This Page