Giám sát người nhập cảnh chặn cúm H5N1

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 1, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 144)

    Ngày 1/3, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ cúm gia cầm H5N1 xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người rất lớn, đề nghị các địa phương giám sát chặt người nhập cảnh.


    Đây là một trong những nội dung của công điện Bộ Y tế gửi các địa phương yêu cầu tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người, đặc biệt là tỉnh thành chung biên giới với các quốc gia đang có dịch.

    Campuchia vừa phát hiện hai người mắc cúm H5N1, trong đó một người tử vong tại tỉnh Prey Veng - là khu vực biên giới hai nước. Đây là những ca bệnh cúm H5N1 trên người được ghi nhận mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014.

    Tình hình hiện nay tương tự diễn biến dịch H5N1 vào 9 năm trước. Năm 2014, cúm H5N1 xuất hiện tại Campuchia, 13 người tử vong, hàng chục nghìn gia cầm bị tiêu hủy. Cùng năm, tại Việt Nam 2 người tử vong do H5N1 gồm một người ở Bình Phước và một ở Đồng Tháp; hàng nghìn gia cầm cũng bị tiêu hủy, số còn lại được tiêm vaccine phòng bệnh. Bẵng đi 8 năm, đến tháng 10/2022 Việt Nam ghi nhận một ca H5N1, là một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ, nhưng không rõ cháu lây nhiễm từ đâu trong khi những người xung quanh không mắc bệnh.

    Nay, trong bối cảnh Campuchia ghi nhận các ca H5N1, Bộ Y tế cảnh báo: "Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước, nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người là rất lớn".

    Bộ Y tế cho rằng thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, các lễ hội sau Tết Nguyên đán diễn ra khắp nơi nên hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người.

    Để ngăn chặn cúm, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi bệnh, lưu ý người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống; người đến từ khu vực đang có dịch trên gia cầm và ở người. Trường hợp nghi ngờ, lực lượng chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur xét nghiệm xác định.

    Cơ quan y tế cũng giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời cúm H5N1. Bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

    Các cơ quan y tế, thú y phối hợp kiểm tra, phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và chợ gia cầm sống.

    Người dân được khuyến cáo không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện an toàn trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh hay ăn thịt gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.


    [​IMG]

    Hình minh họa ống nghiệm có dán nhãn cúm gia cầm, ngày 14/1. Ảnh:Reuters


    Hôm 24/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại các ca cúm gia cầm đang tăng lên ở người, kêu gọi tất cả quốc gia toàn cầu nâng cao cảnh giác. Cùng ngày, Viện Pasteur TP HCM cũng cảnh báo 20 tỉnh thành phía Nam cảnh giác với cúm A/H5N1, tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus.

    Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxoviridae. Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm hai kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1-N9.

    Từ năm 2003 đến nay Việt Nam ghi nhận 128 ca mắc cúm H5N1 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Số ca mắc cao trong giai đoạn 2003-2010. Hiện, cúm gia cầm được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

    Cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não do cúm gia cầm cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Giám sát người nhập cảnh chặn cúm H5N1

Share This Page