ItalyHầu hết người dân ở các nơi trên thế giới đang dần cao hơn trong vài nghìn năm qua, nhưng người Milan giữ nguyên chiều cao từ thời La Mã. Các nhà nhân chủng học của LABANOF đang làm việc trên bộ xương khảo cổ. Ảnh: Lucie Biehler-Gomez Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 23/2, cả nam và nữ công dân Milan không thay đổi đáng kể về chiều cao trong 2.000 năm qua. Điều này rất khác thường, vì đa số những nghiên cứu khác về sự thay đổi chiều cao qua các thế hệ đều chỉ ra, trung bình con người đang cao hơn. "Đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi mà xu hướng tầm vóc qua thời gian không thay đổi ở châu Âu", Mirko Mattia, đồng tác giả nghiên cứu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Milan, cho biết. "Trên thực tế, nhiều nghiên cứu tại châu Âu đã cho thấy xu hướng hình chữ U ở tầm vóc người trưởng thành. Con người trong thời La Mã và Sơ kỳ Trung cổ khá cao, sau đó đến xu hướng giảm ở Hậu kỳ Trung cổ và/hoặc thời Cận đại, cuối cùng là phục hồi chiều cao vào thế kỷ 20", Mattia nói thêm. Chiều cao trên thế giới tăng lên trong vài thế kỷ qua. Cụ thể, chỉ trong 150 năm qua, chiều cao trung bình của người dân ở các quốc gia công nghiệp hóa tăng khoảng 10 cm. Người trẻ trung bình cao hơn khoảng 5% so với cách đây 100 năm. Nhóm nghiên cứu phát hiện, chiều cao của nam giới Milan dao động từ 152 cm đến 195,4 cm, với chiều cao trung bình là 168,5 cm, trong khi chiều cao của nữ giới nằm trong khoảng 143,5 - 177,6 cm, với chiều cao trung bình là 157,8 cm. Cả hai mức trung bình này đều không thay đổi đáng kể theo thời gian. Nhóm nghiên cứu sử dụng các nguồn dữ liệu lịch sử và hài cốt cổ đại để đo chiều cao trung bình của người Milan qua thời gian. "Hài cốt là bằng chứng thời xưa, có thể tiết lộ nhiều điều về cuộc đời của một người. Ở đây, chúng tôi xem xét xu hướng thay đổi về tầm vóc ở Milan", Mattia nói. Các chuyên gia kiểm tra 549 bộ xương, chọn ra hơn 50 nữ và 50 nam cho mỗi giai đoạn lịch sử gồm thời kỳ La Mã (thế kỷ 1 - 5), Sơ kỳ Trung cổ (thế kỷ 6 - 10), Hậu kỳ Trung cổ (thế kỷ 11 - 15), thời kỳ Cận đại (thế kỷ 16 - 18) và thời kỳ Đương đại (thế kỷ 19 - 21). Toàn bộ mẫu đều bắt nguồn từ môi trường đô thị, cụ thể là các nghĩa trang ở thành phố Milan, và từ cùng nền tảng kinh tế xã hội, chủ yếu là tầng lớp thấp. Điều này nhằm hạn chế sự khác biệt địa lý và xã hội. Các bộ xương được lấy từ Bộ sưu tập Nhân chủng học của LABANOF (Phòng thí nghiệm Nhân chủng học và Nha khoa thuộc Đại học Milan), trưng bày trong Bảo tàng Nhân chủng học, Y học và Khoa học Pháp y về Nhân quyền. Nhóm nghiên cứu đưa ra một số lý do cho việc chiều cao của người Milan hầu như không đổi từ thời La Mã đến nay. "Thứ nhất, hoàn cảnh địa lý và kinh tế xã hội đồng nhất, các cá nhân đến từ một nơi duy nhất (thành phố Milan) và có nền tảng kinh tế xã hội tương tự nhau, hạn chế ảnh hưởng của sự khác biệt về địa lý và kinh tế xã hội", Mattia giải thích. Một lý do khác có thể là điều kiện sống ở Milan tương đối tốt hơn so với các khu vực khác. Thành phố này giàu tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm, với tường thành bao quanh giúp chống lại các mối đe dọa. Thu Thảo (Theo Newsweek) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress