Bộ sạc, cáp kém chất lượng, sử dụng cường độ cao và để vị trí có ánh nắng trực tiếp có thể dẫn đến cháy nổ điện thoại trên ôtô. Smartphone ngày nay có thời lượng pin thường chưa đầy một ngày, nên sạc trên xe hơi là thói quen của nhiều người sở hữu "xế hộp". Tuy nhiên, điều này gây lo ngại về nguy cơ mất an toàn. Một mẫu điện thoại Redmi bị phát nổ pin. Ảnh: Steven Winkelman Tại sao điện thoại có thể cháy hoặc phát nổ? Có nhiều lý do khiến smartphone phát nổ nhưng hầu hết đều liên quan đến pin. Các thiết bị di động hiện đại được cung cấp năng lượng bởi pin lithium-ion, có thể sạc nhiều lần với dung lượng ngày càng cao trong cùng một thể tích. Tuy nhiên, các thành phần bên trong pin có thể bị hỏng, tạo ra phản ứng dễ bay hơi dẫn đến hỏa hoạn, phát nổ. Vấn đề phổ biến nhất ảnh hưởng đến pin là nhiệt độ quá cao. Nếu pin sạc hoặc bộ xử lý làm việc quá mức sẽ khiến nhiệt độ tăng nhanh, làm hỏng cấu trúc hóa học của các bộ phận điện thoại. Riêng với pin, một phản ứng dây chuyền được gọi là hiện tượng thoát nhiệt có thể khiến nó sinh ra nhiều nhiệt hơn, đến mức có thể bắt lửa. Ngoài nguyên nhân từ nhà sản xuất rất hy hữu như trường hợp Galaxy Note7, đa số lỗi pin đều liên quan đến thói quen sử dụng. Điện thoại khi bị rơi hoặc uốn cong quá mức có thể làm gián đoạn hoạt động bên trong của pin, gây lỗi. Để điện thoại quá lâu ngoài nắng hay máy bị nhiễm phần mềm độc hại làm CPU hoạt động quá mức, tăng nhiệt độ mất kiểm soát đều có thể gây đoản mạch. Nguy cơ khi sạc và dùng điện thoại trên ôtô Theo PCMag, sạc smartphone khi đang sử dụng trên xe tăng nguy cơ nhưng không phải là nguyên nhân chính gây hiện tượng cháy nổ. Người dùng thường ít quan tâm đến chất lượng bộ sạc trên xe nên việc sử dụng thiết bị kém chất lượng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Sản phẩm dạng này thường không có mạch kiểm soát điện áp, ổn định dòng điện, khiến pin dễ bị tổn thương. Kết hợp việc vừa sử dụng vừa sạc với dòng nạp và xả song song không ổn định, pin có thể tăng nhiệt nhanh quá mức hoặc đoản mạch, gây chập cháy. Dùng điện thoại làm thiết bị phát nhạc hoặc dẫn đường đặt trên táp-lô xe là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, việc này cũng làm cho điện thoại dễ bị quá nhiệt do tiếp xúc ánh nắng trực tiếp, nóng lên do cắm sạc liên tục và nhất là phần cứng như chip xử lý, GPS, màn hình phải hoạt động ở cường độ cao. Một bộ sạc có thể cấp điện cho hai điện thoại cùng lúc với công suất tổng 36 W. Lưu ý để sạc trên ôtô an toàn Sạc trên ôtô thường được cắm vào đầu lấy điện hoặc tẩu thuốc trên xe với điện áp 12V. Sạc sẽ hoạt động khi nổ máy hoặc khi tắt máy nhưng vẫn đang mở khóa điện. Người dùng nên chọn mua bộ sạc chuyên biệt từ nhà sản xuất danh tiếng như Belkin, Anker, Xiaomi, Aukey. Các bộ sạc mới ra mắt gần đây hầu hết đều đi kèm tính năng sạc nhanh, có từ hai cổng sạc, phù hợp với tất cả smartphone bán ra thị trường. Ngoài củ sạc, cáp sạc cũng cần chọn loại có chất lượng tốt, từ thương hiệu lớn. Các nhà sản xuất điện thoại khuyến cáo không nên vừa dùng pin vừa sạc vì có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với tình trạng pin lỗi, môi trường hoạt động quá nóng hoặc bộ sạc kém chất lượng. Ngoài chọn phụ kiện tốt, người dùng cần lưu ý tình trạng pin điện thoại, nếu phát hiện máy bị phồng nhẹ, nhanh nóng khi mới cắm sạc, cần đem đến các cửa hàng chuyên sửa chữa để kiểm tra. Hoài Anh Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ