11 năm qua, tỷ lệ đặt hàng nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn của TP HCM liên tục tăng, trung bình 41,3% mỗi năm. Chủ động đặt hàng nghiên cứu khoa học là một trong những trọng tâm khi TP HCM thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Kết quả được Thành uỷ TP HCM báo cáo Trung ương tại buổi khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết này, chiều 21/2. Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, TP HCM đã chủ động hình thành cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học với các lĩnh vực trọng điểm, khắc phục tình trạng "đầu tư dàn trải" trước đây. Nhiều đề tài được ứng dụng trong thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của thành phố. Cụ thể như xác định nguyên nhân gây cháy xe, xây dựng phần mềm kiểm tra hố ngầm và công trình ngầm, đề xuất giải pháp khắc phục sụt mặt đường, xử lý 1.322 tấn đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật... 11 năm qua, tỷ lệ đặt hàng nghiên cứu xu hướng tăng, trung bình chiếm 41,3% tổng số đề tài hàng năm. Tỷ lệ nhiệm vụ được ứng dụng thực tế trong giai đoạn 2016-2020 là 98,8%, tăng 2,5 lần so với năm 2011-2015. Cụ thể, 55,5% được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, chăm sóc sức khoẻ; còn lại là trong giảng dạy, tài liệu tham khảo.... Cách làm này giúp gắn nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất - kinh doanh và các vấn đề kinh tế - xã hội. Thành phố cũng tăng các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thông qua lập danh sách 9 sản phẩm ưu tiên phát triển, và 65 nhóm khuyến khích đầu tư. Nhiều công nghệ cao được nội địa hoá, tiến tới làm chủ và phát triển các ứng dụng như pin mặt trời, năng lượng sinh khối (biomass), dầu diesel sinh học (biodiesel), thiết kế vi mạch, robot nông nghiệp... Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị chiều 21/2. Ảnh: Quang Huy Tại hội nghị, PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, nêu vấn đề hiện đội ngũ tri thức, khoa học của TP HCM rất đông nhưng chưa có hình thức vinh danh định kỳ như nhiều tỉnh, thành khác. Ông đề nghị 1-2 năm, thành phố nên chọn ra 10-20 nhà khoa học để trao thưởng, vinh danh các đóng góp. Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM luôn xác định trọng tâm phát triển dựa trên nền tảng tri thức. Thời gian qua, các nhà khoa học đã đóng góp rất nhiều, trong đó có các nghiên cứu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; sửa đổi các chính sách quan trọng như Luật Đất đai, hình thành chủ trương từ nghị quyết của Trung ương... "Chúng tôi coi trọng đội ngũ tri thức không chỉ đang sống tại thành phố mà cả tỉnh, thành khác, thậm chí nước ngoài", ông nói và cho rằng việc kết nối với đội ngũ này chưa được phát huy tốt. Thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu các hình thức tôn vinh, đồng thời đề xuất Trung ương cho cơ chế hỗ trợ liên quan như chính sách tiền lương, nhà ở... cho các trí thức. Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trịnh Văn Quyết, Trưởng đoàn công tác, cho biết sẽ tiếp thu các góp ý của thành phố để chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 27 và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được ban hành năm 2008. Mục tiêu xây dựng ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nghị quyết cũng xác định hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức. Thu Hằng Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress