Bệnh do virus Marburg chưa có vaccine hay thuốc điều trị, tỷ lệ tử vong 23-90%, các triệu chứng khó phân biệt với những bệnh truyền nhiễm thông thường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/2 xác nhận nguyên nhân khiến 9 người ở Guinea Xích đạo tử vong là do nhiễm virus Marburg, căn bệnh có thể gây xuất huyết nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao 23-90%. Đây là loại virus RNA độc nhất về mặt di truyền, thuộc họ virus filovirus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus Marburg lần đầu được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt, Đức, cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). 31 người bệnh đầu tiên là nhân viên phòng thí nghiệm, sau đó một số lây cho nhân viên y tế khác và các thành viên trong gia đình. Họ tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu. WHO sau đó ghi nhận 7 trường hợp tử vong. Vật chủ ban đầu chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, tên Rousettus aegyptiacus. Dơi ăn quả bị nhiễm virus Marburg không có dấu hiệu bệnh tật rõ ràng. Nhưng các loài linh trưởng (bao gồm cả con người) mắc bệnh có thể phát triển triệu chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Virus lây lan qua tiếp xúc giữa người với người, qua vết thương trên da, niêm mạc của mắt, mũi và miệng. Virus cũng có thể lây truyền qua máu hoặc chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) của người bệnh. Người chạm vào các đồ vật chứa chất dịch của bệnh nhân cũng có thể mắc bệnh. Đối tượng dễ mắc bệnh là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình chăm sóc họ tại nhà hoặc nhân viên bệnh viện. Sau thời gian ủ bệnh 2-21 ngày, các triệu chứng khởi phát đột ngột, gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu và đau cơ. Đến ngày 5, người bệnh có thể bị phát ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Các biểu hiện khác là buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy. Triệu chứng nghiêm trọng hơn là vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Các mẫu virus Marburg dưới kính hiển vi. Ảnh: BSIP Chẩn đoán lâm sàng đối với virus Marburg có thể khó khăn, bởi nhiều triệu chứng giống với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt xuất huyết hoặc thương hàn. Các chuyên gia của CDC khuyến nghị cách ly những người từng tiếp xúc và có triệu chứng lâm sàng giống với nhiễm virus. Cách phát hiện bệnh là xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (ELISA), phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Các chuyên gia cũng có thể phân lập virus, song chỉ thực hiện trong phòng thí nghiệm chuyên môn. Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh do virus Marburg. CDC khuyến nghị chữa bệnh theo triệu chứng, bổ sung chất điện giải, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, xử lý các yếu tố đông máu và xuất huyết. Các chuyên gia cũng chưa xác định được biện pháp phòng ngừa virus. Họ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu đường truyền từ động vật hoang dã sang người. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo tránh xa dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus và các loài linh trưởng. Biện pháp ngăn ngừa lây truyền thứ cấp (truyền từ người sang người) giống với sốt xuất huyết. Bệnh nhân dương tính virus nên được cách ly với cộng đồng. Người điều trị hoặc chăm sóc bệnh nhân cần mặc áo choàng bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, khử trùng. Trước đó, Cơ quan y tế quận Nsok Nsomo, tỉnh Kie-Ntem, Guinea Xích Đạo báo cáo về một căn bệnh không xác định, gây các ca sốt xuất huyết ngày 7/2, liên quan đến một lễ tang. Giới chức gửi các mẫu xét nghiệm đến một phòng thí nghiệm ở Senegal. Tại đây, các nhà khoa học xác nhận virus Marburg là nguyên nhân đợt bùng phát. Nước này đã cách ly hơn 200 người, áp đặt hạn chế di chuyển đối với tỉnh Kie-Ntem. Nước láng giềng Cameroon cũng hạn chế di chuyển dọc biên giới vì lo ngại virus sẽ lây lan. Ngoài 9 trường hợp tử vong, Guinea Xích đạo ghi nhận 16 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg. WHO cho biết các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy, ban đầu nghi ngờ là Ebola. Thục Linh (Theo CDC) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress