Sau hai trận động đất 7,8 và 7,5 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2, NASA đang chia sẻ ảnh chụp và dữ liệu từ không gian để giúp đỡ lực lượng cứu hộ trong vùng. Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người gặp nạn ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/2. Ảnh: Anadolu Agency Đội ngũ chuyên gia của NASA đang tích cực làm việc để cung cấp thông tin hữu ích từ các vệ tinh quan sát Trái Đất cho đội phản ứng nhanh trên mặt đất, Bill Nelson, giám đốc NASA, thông báo hôm 11/2. Một trong những kỹ thuật chủ chốt của NASA là radar khẩu độ tổng hợp giao thoa (SAR). Quan sát Trái Đất trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày hoặc đêm, SAR được dùng để đo mặt đất dịch chuyển ra sao và cảnh quan thay đổi như thế nào sau sự kiện như động đất. Hình ảnh thu thập từ radar được sử dụng bởi nhóm nhà khoa học đến từ Đài quan sát Trái Đất Singapore và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Nam California để tạo ra bản đồ thiệt hại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bản đồ này so sánh hình ảnh radar trước và sau sự kiện để quan sát sự biến đổi địa thế. Ngoài đánh giá thiệt hại, các nhà khoa học NASA cũng sử dụng quan sát từ vũ trụ và trên mặt đất để tăng cường hiểu biết về những sự kiện liên quan, có nguồn gốc từ thảm họa tự nhiên ban đầu. Thông qua dữ liệu từ chương trình Commercial SmallSat Data Acquisition chuyên thu thập quan sát từ nhiều vệ tinh nhỏ của NASA, Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), cơ quan vũ trụ châu Âu và Nhật Bản, nhà khoa học có thể phát hiện khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao hơn. Một số vệ tinh khác như Suomi-NPP có thể chỉ ra những nơi bị mất điện. Các nhà khoa học NASA cũng hy vọng có thể bổ sung một công cụ mới để đánh giá hậu quả của động đất. Công cụ mang tên The Earth Surface Mineral Dust Source Investigation (EMIT) được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 7/2022. Nằm trong những quan sát về thành phần vật chất trong khí quyển Trái Đất, công cụ này có thể đánh giá lượng phát thải khí methane. Nằm trên ISS, thời gian và vị trí quan sát của EMIT bị chi phối bởi quỹ đạo của trạm. Nhưng khi bay qua khu vực động đất, kết quả đo lượng phát thải khí gia tăng có thể hé lộ những sự kiện không dễ quan sát từ vũ trụ. "Nỗ lực cứu hộ bao gồm theo dõi thiệt hại nối tiếp, như thiệt hại công nghệ do thảm họa tự nhiên gây ra", Shanna McClain, quản lý Chương trình thiên tai của NASA, giải thích. "Cơ sở hạ tầng bị phá hủy và đường ống bị vỡ là thứ chúng tôi muốn xác định nhanh chóng để bảo vệ sức khỏe của người dân ở gần đó". Khả năng trợ giúp cứu hộ của EMIT đang được các chuyên gia đánh giá. Công tác thu thập dữ liệu sẽ tiếp diễn trong vài tuần tới trong khi giới nghiên cứu góp nhặt thông tin từ sự kiện để cải tiến mô phỏng động đất. Đó là mô hình nghiên cứu chủ chốt giúp đánh giá một khu vực an toàn tới đâu sau động đất. Ví dụ, đường đứt gãy Đông Anatolia tạo ra trận động đất hôm 6/2 giao cắt với các đường đứt gãy khác trong vùng. Nếu mô hình chuyển động của mặt đất quanh đường đứt gãy trở nên tốt hơn, giới khoa học có thể dự đoán dư chấn có xuất hiện hay không và ở đâu. An Khang (Theo NASA/Interesting Engineering) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress