Hà NộiĐộ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước, tạo điều kiện cho nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển mạnh khiến người già dễ mắc bệnh nhiễm trùng, hô hấp. Sáng 9/2, Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương liên tục tiếp nhận bệnh nhân nặng. Cụ ông 80 tuổi nhập viện trong tình trạng ho, tức ngực, khó thở, SpO2 thấp, ngưng tim, ngưng thở. Người nhà cho biết ông có tiền sử bệnh phổi mạn tính, ba ngày nay ho và sốt cao, uống thuốc tại nhà nhưng không đỡ. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, cho biết bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng nề, huyết áp không đo được. Người bệnh được can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao, chăm sóc tích cực, có lại nhịp tim. Tuy nhiên, tình trạng cụ ông vẫn nguy kịch, sau đó tử vong. Vài ngày trước, bệnh viện tiếp nhận trường hợp nam, 90 tuổi, sốt, ho, khạc đờm, đau tức người nhiều ngày, tiền sử tăng huyết áp. Gia đình mua thuốc cho cụ uống, song không đỡ. Khi nhập viện, bệnh nhân hôn mê, rối loạn ý thức, thở máy, đặt ống nội khí quản. Sau cấp cứu, bệnh nhân dần lấy lại ý thức, tiếp tục theo dõi tại khoa. Sau Tết, số người cao tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng 30%. Riêng bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ tăng 150%. Hầu hết trường hợp mắc bệnh lý cấp cứu của người cao tuổi như tim mạch, hô hấp, thần kinh. Trong đó, bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết lạnh, nồm ẩm, người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mắc nhiều bệnh nền. Tương tự, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám tăng 20-30% so với trước Tết. Các bệnh chủ yếu là rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu, gout), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng), bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não). Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều người nhập viện do các bệnh lý về hô hấp. Số bệnh nhân tăng trung bình 15-30% so với ngày thường, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém. Các bác sĩ dự báo số người đến khám và điều trị sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết nồm ẩm còn kéo dài sáng tháng 3. Trang Accuweather của Mỹ dự báo gần như trong cả tháng 2, Hà Nội sẽ có sương mù, mưa phùn. Các bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân nặng, ngày 9/2. Ảnh: Minh An Theo bác sĩ Thắng, thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện virus và vi khuẩn phát triển, cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh. Độ ẩm cao, không khí lạnh là yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát các đợt phổi cấp, suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng người cao tuổi, nhất là người có bệnh lý nền. Ngoài ra, quá trình lão hóa khiến sức khỏe người cao tuổi suy giảm, chức năng các cơ quan cũng yếu hơn. Khi tiếp xúc với lạnh, mạch máu dưới da không đủ giữ ấm, cơ thể nhanh mất nhiệt, hệ thống bó mạch ở mũi suy giảm, có tổn thương. Lúc này, không khí nồm ẩm mang theo vi khuẩn đi vào qua đường mũi, khiến hàng rào bảo vệ mũi suy giảm, từ đó đi vào trong phổi, gây bệnh. Đặc biệt, sau hai năm đại dịch, nhiều người mắc Covid, có tổn thương phổi. Người già thường mắc nhiều bệnh nền, suy giảm đề khám, phải uống nhiều thuốc ức chế miễn dịch như gout, viêm khớp dạng thấp, ung thư, nên càng dễ mắc bệnh. Một số người khác chủ quan, xem nhẹ dấu hiệu sớm, đến khi trở nặng mới nhập viện, phải can thiệp hồi sức tích cực. Bác sĩ khuyến cáo trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng. Thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực ô nhiễm. Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ. Ngoài ra, người già tránh tâm lý chủ quan, dùng thuốc không điều độ, tự ý bỏ thuốc hoặc trì hoãn so với ngày thường. Gia đình cần chú ý và nhắc nhở người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi có dấu hiệu như ho, khạc tăng, sốt cần đi khám, can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao hơn. Minh An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress