ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi phức tạp nhưng độ tin cậy không cao vì AI chưa thể hiểu dữ liệu nào là đúng hay sai. ChatGPT đang được sử dụng trong hàng loạt lĩnh vực từ giáo dục đến lập trình, khiến không ít người lo ngại AI có thể thay thế công việc của con người. Tuy nhiên từ góc nhìn công nghệ, các chuyên gia cho rằng ChatGPT vẫn còn tồn tại hạn chế. Điểm yếu của ChatGPT Chính Mira Murati, CTO của OpenAI, đã thừa nhận điểm yếu lớn nhất của siêu AI này là "có khả năng bịa ra sự thật, không phải câu trả lời lúc nào cũng đúng". Murati giải thích, về cơ bản ChatGPT là một mô hình đàm thoại lớn, một mạng nơron cỡ đại được đào tạo để có thể "đoán và nối từ" nhằm tiếp nối câu chuyện với người dùng một cách mạch lạc. Người sử dụng cũng có thể "dạy" ChatGPT câu trả lời chính xác cũng như cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro là người dùng có thể cố tình đưa vào ChatGPT thông tin sai lệch. ChatGPT trả lời câu hỏi về việc có thể thay thế phóng viên viết báo. Ảnh: Khương Nha Theo Vũ Nhật Anh, CTO của TopCV, hạn chế đầu tiên của ChatGPT là tính xác thực thông tin. Siêu AI được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu thu thập từ trước năm 2021 trên Internet, nhưng khối lượng quá lớn nên không thể đảm bảo toàn bộ dữ liệu đầu vào được lọc và xác thực. "ChatGPT chỉ là công cụ tiếp nhận thông tin và tổng hợp lại, không thể tự nhận biết tính đúng đắn của dữ liệu. Do đó, AI này chưa thể thay thế con người", ông nhận định. Ngoài ra, ChatGPT vẫn đang ở bản thử nghiệm, miễn phí và giới hạn tính năng. Một số nhà phân tích dự đoán ChatGPT có thể chỉ là sản phẩm để OpenAI phô diễn năng lực công nghệ. Thời gian tới, công ty sẽ cho ra mắt những sản phẩm mang tính chuyên môn cao, được đảm bảo về độ tin cậy và thu phí, thay vì phát triển một chatbot đa năng, giải quyết mọi vấn đề. Đồng quan điểm, Nguyễn Hoàng Bảo Đại, người thứ ba ở Việt Nam được công nhận là Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực máy học, cho rằng việc AI thay thế con người sẽ không diễn ra tức thì mà cần đến hàng thập kỷ để con người có thể thích nghi và cùng bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ. Cuối cùng, bảo mật thông tin là một trong những rào cản lớn tiếp theo khiến các doanh nghiệp e dè với ChatGPT. "Để dùng trong công việc, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin cho ChatGPT trước. Dữ liệu doanh nghiệp có thể được lưu trữ và dùng để huấn luyện AI. Không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận rủi ro bảo mật đó", Nhật Anh nhận định. Quan điểm này đang được các ông lớn công nghệ trên thế giới ủng hộ. Amazon, Microsoft đều đã cấm nhân viên dùng ChatGPT vì sợ lộ dữ liệu nội bộ của công ty. Khi nào AI có thể thay thế con người Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng trên tạp chí Time, CTO Murati cho rằng tương tự những cuộc cách mạng trước của loài người, trong kỷ nguyên AI, sẽ có những việc mới được sinh ra và những việc cũ mất đi. "Trong tương lai, chúng ta sẽ có rất ít nhu cầu nhân lực trong những lĩnh vực mà ChatGPT nói riêng và AI nói chung có thể làm, ví dụ nghề viết nội dung quảng cáo sản phẩm", chuyên gia Bảo Đại nhận định. Thay vào đó, xã hội sẽ tập trung vào những công việc đòi hỏi tư duy phức tạp, tinh vi, thứ AI chưa thể có. Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý, về lâu dài, người dùng cũng cần lo lắng với các công cụ tương tự ChatGPT. CTO của TopCV tin rằng những công việc mang tính chất tổng hợp thông tin, lặp đi lặp lại, không yêu cầu tư duy sẽ dễ bị AI thay thế. Tiếp theo là những công việc phức tạp hơn về chuyên môn, nhưng có yêu cầu mục tiêu và phương pháp giải quyết rõ ràng, có logic cao cũng là thế mạnh mà AI làm tốt, thậm chí chính xác và nhanh hơn con người. Điều này tương tự cách dây chuyền tự động hóa thay con người trong nhà máy. Theo Nhật Anh, nếu chi phí "thuê ChatGPT làm việc" rẻ hơn chi phí nhân sự, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc. Trong lịch sử, không ít nghề biến mất khi khoa học công nghệ phát triển, nhưng cũng sẽ có những ngành nghề mới mở ra. Con người cần luôn nâng cao tri thức, học hỏi để sử dụng công nghệ thay vì lo lắng bị thay thế. Khương Nha Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ