Sử dụng thiết bị hạn chế nồm ẩm đúng cách

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Feb 8, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 113)

    Một số thiết bị có chức năng giảm thiểu tình trạng nồm ẩm trong nhà, nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể phản tác dụng, gây tốn điện.


    Nồm ẩm là kiểu thời tiết đặc trưng của Bắc Bộ, thường diễn ra khoảng tháng 2-3 hàng năm. Độ ẩm trong không khí cao khiến quần áo khó khô, sàn nhà, cửa kính và các bề mặt gặp tình trạng đọng nước, gây nấm mốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh việc đóng cửa để hạn chế hơi ẩm vào nhà, người dùng có thể sử dụng máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ để không khí khô thoáng hơn.

    Tủ chống ẩm

    Tủ chống ẩm được đánh giá là thiết bị có chất lượng chống ẩm tốt nhất hiện nay. Với vỏ ngoài chắc chắn, cơ chế hút ẩm đơn giản, ít tốn điện (đối với những dòng sử dụng điện), nhiều người mua tủ chống ẩm để bảo quản những thiết bị điện tử quan trọng. Tủ đa dạng kích cỡ, dung tích từ 20l đến 600l. Do kích thước không lớn, loại tủ này chỉ có thể được dùng để chống ẩm mốc cho các món đồ nhỏ gọn như máy ảnh, ống kính, laptop.


    [​IMG]

    Tủ chống ẩm thường được sử dụng để cất máy ảnh, laptop. Ảnh: ShutterMuse


    Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, người dùng không nên mở tủ liên tục để hạn chế hơi ẩm lọt vào. Cũng không nên bảo quản các món đồ như ống kính trong môi trường quá khô vì có thể làm lớp gioăng cao su mất ma sát, hay làm khô lớp dầu mỏng ở các chi tiết máy. Độ ẩm nên được cài đặt theo khuyến cáo của các nhà sản xuất là 40-50%.

    Trong thời gian sử dụng, nên kiểm tra và hiệu chỉnh ẩm kế hai lần mỗi năm để đảm bảo thiết bị đo chính xác. Ngay cả khi ít sử dụng, tủ chống ẩm vẫn nên đặt ở những vị trí khô ráo nhằm tăng độ bền cho thiết bị.

    Điều hòa nhiệt độ

    Điều hòa nhiệt độ là sản phẩm sẵn có trong nhiều gia đình và chủ yếu được sử dụng cho mục đích làm mát hoặc làm ấm phòng. Tuy nhiên, hút ẩm cũng được coi là một chế độ cơ bản của thiết bị. Trên điều khiển, người dùng có thể chọn chế độ Dry hoặc biểu tượng có hình giọt nước để bật tính năng này.


    [​IMG]

    Điều hòa có nhiều chế độ, trong đó có chế độ Dry. Ảnh: Startsat60


    Theo khảo sát của VnExpress ngày 6/2, có đến 40% độc giả tham gia cho biết đang sử dụng điều hòa với chế độ hút ẩm. Tuy nhiên, theo chuyên gia công nghệ Mạnh Tiến, người dùng chỉ nên sử dụng chế độ này như một giải pháp tạm thời trong những ngày có độ ẩm trên 80%. Ngoài ra, không bật quá 2-3 tiếng nhằm tránh tình trạng khô da, mất nước cũng như gây tốn điện.

    Đa số điều hòa không có chức năng đo độ ẩm trong phòng, người dùng thường khó nhận biết khi nào cần sử dụng tính năng hút ẩm. Do đó, để đảm bảo độ ẩm trong phòng ở mức lý tưởng (40-60%), người dùng có thể cân nhắc mua thêm nhiệt ẩm kế. Các sản phẩm này thường có giá 150-350 nghìn đồng, phù hợp để đặt hoặc treo trong nhà.

    Máy hút ẩm

    Máy hút ẩm là sản phẩm chuyên dụng, được ưa chuộng trong 3 tháng đầu năm tại miền Bắc, khi độ ẩm trong không khí gần đạt ngưỡng bão hòa. Sản phẩm còn được các gia đình có con nhỏ sử dụng hàng ngày để cân bằng độ ẩm trong nhà, bảo vệ sức khỏe cho bé. Khi hoạt động, máy có thể tạo tiếng kêu khó chịu. Tuy vậy, một số dòng máy mới đã được cải thiện điều này khi có độ ồn thấp.


    [​IMG]

    Máy hút ẩm là thiết bị chuyên dụng, thích hợp để cân bằng độ ẩm trong phòng. Ảnh: Cnet


    Các dòng máy hút ẩm đều có thể bật cả ngày, tuy nhiên không nên lạm dụng, để máy hoạt động liên tục quá nhiều giờ nếu không thực sự cần thiết. Theo chuyên gia Mạnh Tiến, người dùng có thể mở máy vào buổi sáng hoặc vài tiếng trước khi ngủ để tối ưu hiệu quả. Đầu tiên, cho máy chạy "hết công suất" trong 30 phút, ở mức độ ẩm thấp nhất là 20-40% tùy dòng. Sau đó, chỉnh dần lên và duy trì ở mức lý tưởng 55-60%. Nên tắt khi thấy nhà khô để máy tăng độ bền cũng như tiết kiệm điện

    Trong lúc máy đang hút ẩm, không mở cửa hay bật quạt để thiết bị hoạt động hiệu quả. Người dùng cũng có thể tận dụng khả năng sấy quần áo của máy trong lúc này.

    Máy sấy quần áo

    Vào những ngày nồm ẩm, quần áo giặt xong thường khó khô, gây tình trạng ẩm mốc và có mùi khó chịu. Giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình đã sắm thêm máy sấy hoặc máy giặt kiêm sấy. Thông thường, trong điều kiện có nắng và gió nhẹ, quần áo vẫn cần ít nhất 7-10 tiếng để khô hoàn toàn. Trong khi đó, máy sấy chỉ cần 60-180 phút để thực hiện điều tương tự.

    Theo khuyến cáo của một số nhà sản xuất, người dùng nên sấy khối lượng quần áo bằng 60-70% sức tải tối đa của máy, nhằm bảo đảm hoạt động ổn định. Quần áo cần được vắt khô bằng máy giặt trước khi bỏ vào máy sấy để tiết kiệm điện tối đa. Ngoài ra, một số loại máy sẽ cần giũ quần áo trước khi sấy để tránh nhàu và giảm thời gian sấy.

    Trong những ngày độ ẩm cao, việc sử dụng thêm giấy thơm quần áo trong quá trình sấy cũng là cách hữu hiệu để loại bỏ mùi khó chịu. Người dùng cũng cần lưu ý vệ sinh lưới lọc bông vải thường xuyên, giúp máy không phải sấy lâu và tiết kiệm điện.

    Minh Hoàng


    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Sử dụng thiết bị hạn chế nồm ẩm đúng cách

Share This Page