Một nhà địa chấn học ở Đại học Melbourne ước tính năng lượng giải phóng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay (6/2) đủ để thành phố New York dùng trong hơn 4 ngày. Người dân tìm kiếm trong đống đổ nát ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters Trận động đất xảy ra ở khu vực đông dân cư phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ lúc 4h17 giờ địa phương (8h17 giờ Hà Nội), theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), mạnh 7,8 độ. Januka Attanayake, nhà địa chấn học ở Đại học Melbourne, Australia, chia sẻ năng lượng giải phóng bởi trận động đất này tương đương khoảng 32 petajoule, đủ để cung cấp cho thành phố New York trong hơn 4 ngày. Về mặt năng lượng, động đất 7,8 độ mạnh gấp 708 lần động đất 5,9 độ, Attanayake nói. Sức mạnh của động đất được đo trên thang cường độ địa phương. Một phiên bản trước đây có tên là thang Richter. Đó là thang theo hàm logarit. Đối với mỗi đơn vị tăng lên, lượng năng lượng giải phóng bởi động đất tăng gấp khoảng 32 lần. Nhưng thiệt hại tiềm tàng của động đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là cường độ. Trong đó, mật độ dân số của khu vực và độ nông của tâm chấn đều góp phần vào mức độ thiệt hại. Ví dụ, động đất nông có khả năng gây thiệt hại nhiều hơn. Tâm chấn của trận động đất đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 nằm ở độ sâu 17,9 km. Một yếu tố quan trọng khác là chất lượng xây dựng của nhà cửa trong khu vực. "Dân cư trong vùng sinh sống trong những công trình cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi rung lắc, dù vẫn có một số công trình bền vững. Loại nhà cửa chủ yếu chịu tác động là nhà gạch không có cốt thép và khung bê tông thấp không dễ uốn", USGS cho biết. Trong báo cáo đưa ra khoảng 30 phút sau trận động đất, các chuyên gia ở USGS đã tính toán có 34% khả năng tử vong ở mức 100 – 1.000 người và 31% khả năng tử vong ở mức 1.000 - 10.000 người. Hiện đã ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng sau trận động đất đầu tiên và con số thương vong vẫn tiếp tục tăng lên. Báo cáo ước tính thiệt hại kinh tế do trận động đất bằng 1% tổng sản phẩm quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ, theo New York Times. Trong bài đăng trên Twitter, nhà địa chấn học Susan Hough ở USGS viết dù không phải trận động đất mạnh nhất mà thế giới từng ghi nhận trong những thập kỷ gần đây, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm do vị trí và độ nông của tâm chấn. Ở đầu thấp nhất của thang, động đất độ 1 là động đất vi mô mà con người không thể cảm thấy. Trong khi đó, độ 7 được mô tả bởi các nhà địa chất học là có "năng lượng tương đương khoảng 32 quả bom nguyên tử Hiroshima", theo Renato Solidum, giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines. Ở cấp 7,8 độ, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ được phân loại là "động đất lớn". Các trận có cường độ tương tự bao gồm trận động đất năm 2013 ở Pakistan khiến khoảng 825 người thiệt mạng và tháng 4/2015 ở Nepal, giết chết gần 9.000 người. Theo tiến sĩ Attanayake, sự kiện này dường như là một trong số một loạt trận động đất. Một đường đứt gãy dài khoảng 1.500 km chia tách mảng kiến tạo Á – Âu ở phía bắc với mảng kiến tạo Anatolia ở phía nam đã tạo ra nhiều rung chấn từ 6,7 độ trở lên từ năm 1939. Khoảng 98% diện tích Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng dễ xảy ra động đất và khoảng 1/3 đất nước nằm ở nguy cơ cao, bao gồm khu vực xung quanh những thành phố lớn như Istanbul và Izmir cùng vùng Đông Anatolia. Nguyên nhân là do phần lớn nước này nằm trên mảng kiến tạo Anatolia, giữa hai mảng kiến tạo lớn là mảng Á - Âu, châu Phi, và mảng nhỏ là Arab. Khi mảng châu Phi lớn hơn và mảng Arab dịch chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ bị ép chặt, còn mảng Á – Âu cản trở bất kỳ sự dịch chuyển nào của nước này về hướng bắc. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên vài đường đứt gãy. Đường đứt gãy Bắc Anatolia, nơi mảng kiến tạo Anatolia và Á - Âu giao nhau được cho là đường đứt gãy có sức phá hủy mạnh nhất, chạy từ phía nam Istanbul tới vùng đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. An Khang Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress