'ChatGPT không thể thay thế y bác sĩ'

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 6, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 95)

    Theo các chuyên gia, ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin thường thức, không thể thay thế bác sĩ trong khám, chẩn đoán và kết nối cảm xúc với người bệnh.


    ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với kho kiến thức rộng lớn, có thể đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật, giải đáp tất cả lĩnh vực chỉ trong vài giây. Nhiều người cho rằng, ChatGPT có thể thay thế được cả bác sĩ trong chẩn đoán bệnh.

    Ngày 5/2, trả lời VnExpress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, đánh giá đây là sản phẩm thông minh, hữu ích, có thể hỗ trợ y bác sĩ trong tìm kiếm thông tin thường thức đơn giản như một nguồn tham khảo, nhưng không thể thay thế thầy thuốc trong khám, điều trị.

    Ví dụ, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, nôn, hay vàng da phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chứ ChatGPT không thể tự khám và đưa ra kết luận. Chưa kể, nhiều bệnh có triệu chứng khác nhau, chuyển biến nhanh từ dấu hiệu đơn giản mà chỉ bác sĩ mới phát hiện và xử trí kịp thời bằng sự nhạy cảm lâm sàng và kiến thức chuyên môn.

    "Hai bác sĩ khám cho một bệnh nhân còn có thể đưa ra kết luận khác biệt, có thời gian thì khám kỹ và ra nhiều triệu chứng hơn, điều trị trúng đích hơn", ông Khanh nói.

    Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế sự đồng cảm và cái tâm của thầy thuốc. Ví dụ, bệnh nhân ung thư cuối đời, khổ sở với cơn đau giằng xé, cần được chăm sóc giảm nhẹ. Trong tình huống này, bác sĩ được xem là người đồng hành, khéo léo nắm bắt tâm lý, từ đó đưa ra phương án điều trị tốt nhất, giúp người bệnh có thời gian cuối đời bình an, điều mà trí tuệ nhân tạo không làm được. Hay sản phụ khó sinh, có bệnh lý cần được bác sĩ động viên, đưa ra phác đồ để ổn định tâm lý, chứ không chỉ dựa vào lời khuyên từ máy móc.


    [​IMG]

    Bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: Minh Trí


    Cùng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng chỉ khi bác sĩ tìm ra triệu chứng, tập hợp lại mới chẩn đoán đúng, thậm chí phải khám nhiều lần mới ra đúng bệnh.

    "Khám chữa bệnh phải dựa trên những thu thập thông tin bệnh lý lâm sàng chứ trí tuệ nhân tạo chỉ để tham khảo, có thể tìm ra khả năng cao nhất của bệnh hỗ trợ bác sĩ", PGS. nói. Ngoài ra, bác sĩ còn có trách nhiệm chăm sóc, động viên, giao tiếp mỗi ngày để chia sẻ và giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật. Trong quá trình điều trị, bác sĩ liên tục học hỏi, hội chẩn với nhiều chuyên khoa khác mới đưa ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân.

    Bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện, cũng nhấn mạnh ngành y là đặc thù, cần tìm hiểu, quan sát, sờ, cầm, nắm. Khi thăm khám, bác sĩ cần có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống cấp cứu, với "trái tim nóng, cái đầu lạnh". Do đó, máy móc không thể thay thế.

    "Người dân tự khám và điều trị bằng biện pháp truyền miệng đã rất nguy hiểm, nếu lạm dụng máy móc, tự ý uống thuốc càng dễ xảy ra tai biến, thậm chí tử vong vì chẩn đoán nhầm", bác sĩ nói.

    Ngoài ra, trong y học, "không phải 1+1=2" mà phải dựa vào nhiều yếu tố khác và cả kinh nghiệm để chẩn đoán bệnh. Có nhiều loại bệnh có dấu hiệu giống nhau nhưng thực chất phương pháp chữa trị khác nhau.

    Tương tự, các nhà khoa học trên thế giới cũng cho rằng ChatGPT không thay thế thầy thuốc. Theo tiến sĩ Artie Shen, Trung tâm Khoa học Dữ liệu Đại học New York, AI có thể đưa ra chẩn đoán đối với một căn bệnh, song người dùng không thể biết lý do dẫn đến các chẩn đoán này vì thiếu lý luận thực tiễn. Tiến sĩ Keith Horvath, Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, cũng đánh giá trí tuệ nhân tạo nói chung không cấp tiến hơn so với con người. Ngoài ra, bác sĩ có phương pháp làm việc phi tuyến tính, dễ dàng thích ứng với các điều kiện luôn thay đổi và tình huống phát triển nhanh chóng. Sự khéo léo và linh hoạt đó vẫn rất khó để dạy cho máy tính.

    [​IMG]

    ChatGPT trả lời câu hỏi của người dùng về điều trị bệnh sốt xuất huyết, song chỉ là khuyến cáo thường thức. Trong đó, khuyến cáo đầu tiên vẫn là đi khám bác sĩ để được điều trị chính xác. Video: Minh An


    Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, ChatGPT là phần mềm hữu ích, đưa ra đáp án duy nhất trong thời gian ngắn. Đây là kênh tham khảo cho người không có kinh nghiệm, hoặc giúp các bác sĩ ở tuyến dưới khoanh vùng bệnh. Thỉnh thoảng, bác sĩ có thể sử dụng để ôn lại kiến thức thường thức hoặc trau dồi thêm về số liệu, triệu chứng để phát triển bản thân.

    ChatGPT có thể được dùng làm trợ lý ảo cho các bệnh nhân, đưa ra đề xuất và lời khuyên dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng hiện tại và các yếu tố liên quan khác. Công cụ cũng có thể hỗ trợ chuyên gia y tế thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn sao lưu hồ sơ y tế hoặc tạo báo cáo.

    "Dù vậy, bạn cần chọn lọc thông tin phù hợp, thông minh, không phụ thuộc, không phó thác tính mạng cho máy móc vô tri vô giác", bác sĩ Khanh nhận định.


    [​IMG]

    Giao diện ChatGPT trên trình duyệt điện thoại. Ảnh: Lưu Quý


    Minh An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 'ChatGPT không thể thay thế y bác sĩ'

Share This Page