Chuyến bay liên tục dài nhất thế giới

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 5, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 134)

    Cho tới nay, vẫn chưa có ai phá vỡ được kỷ lục bay hơn 64 ngày liên tục của hai phi công người Mỹ vào năm 1959.


    [​IMG]

    Robert Timm chụp ảnh bên chiếc máy bay lập kỷ lục. Ảnh: Bảo tàng Hàng không Howard W. Cannon


    Cuối tháng 8 năm ngoái, drone hoạt động bằng năng lượng mặt trời mang tên Zephyr do Airbus sản xuất và quân đội Mỹ vận hành bay 64 ngày, 18 giờ và 26 phút trước khi đâm xuống Arizona, chỉ kém 4 giờ so với kỷ lục chuyến bay liên tục dài nhất thế giới. Kỷ lục đó được thiết lập cách đây 64 năm, vào năm 1959, bởi Robert Timm và John Cook. Họ bay trên một chiếc máy bay 4 chỗ phía trên Las Vegas trong 64 ngày, 22 giờ và 19 phút, theo CNN.

    Năm 1956, khách sạn kiêm sòng bạc Hacienda mở cửa ở phía nam Las Vegas. Để thu hút sự chú ý, chủ khách sạn quyết định làm theo đề xuất của một nhân viên là lái máy bay mang tên khách sạn ở bên hông để đánh bại kỷ lục bay liên tục dài nhất lúc đó là gần 47 ngày trong không trung, được thiết lập vào năm 1949.

    Nhân viên đó là Robert Timm. Là một cựu phi công lái máy bay chiến đấu trong Thế chiến II, Robert Timm nhận được 100.000 USD để tổ chức sự kiện. Timm dành nhiều tháng chỉnh sửa mẫu máy bay Cessna 172.

    "Đó là một thiết kế tương đối mới", Janet Bednarek, nhà sử học hàng không kiêm giáo sư ở Đại học Dayton, nhận xét. "Chiếc máy bay 4 chỗ rộng rãi nổi tiếng với độ tin cậy cao và dễ bay. Khi bay thời gian dài, bạn muốn một chiếc máy bay dễ chịu như vậy".

    Các chỉnh sửa bao gồm thảm để ngủ, một bồn nhỏ bằng thép để vệ sinh cá nhân, tháo dỡ phần lớn nội thất để giảm trọng lượng và chức năng lái tự động thô sơ. Theo Bednarek, điều quan trọng nhất là tạo ra cách để nạp nhiên liệu. Có nhiều thí nghiệm về nạp nhiên liệu trên không, nhưng thực sự không có cách nào để chỉnh sửa một chiếc Cessna nhằm nạp nhiên liệu giữa không trung. Vì vậy, họ bố trí thêm một bình nữa có thể lắp vào xe tải trên mặt đất. Khi cần nạp nhiên liệu, họ sẽ hạ thấp và bay rất chậm. Sau đó, xe tải chạy theo và dùng tời kéo ống cao su và sử dụng máy bơm để chuyển nhiên liệu lên máy bay. Đôi khi họ phải tiến hành nạp nhiên liệu vào ban đêm và điều đó đòi hỏi bay chính xác.

    Ba nỗ lực lập kỷ lục đầu tiên của Timm kết thúc đột ngột do hỏng hóc máy móc, trong số đó ông và phi công lái phụ ở lâu nhất trong không trung khoảng 17 ngày. Tuy nhiên, vào tháng 9/1958, kỷ lục bị đánh bại bởi một đội khác lái máy bay Cessna 172 và tăng lên mốc hơn 50 ngày. Trong nỗ lực thứ 4, Timm chọn John Cook, người cũng là thợ cơ khí máy bay, làm phi công lái phụ.

    Bộ đôi cất cánh vào ngày 4/12/1958 từ sân bay McCarran ở Las Vegas. Tương tự những lần thử trước, bước đầu tiên là bay thấp qua một chiếc xe đang lao nhanh, sơn một trong những bánh hạ cánh và loại trừ gian lận. "Không có cách nào để theo dõi độ cao và tốc độ bay của họ mọi lúc. Vì vậy, họ sơn vạch trắng ở ít nhất một lốp. Nếu hạ cánh, vệt sơn sẽ bị trầy", Bednarek giải thích.

    Lúc đầu chuyến bay diễn ra trôi chảy. Hai phi công trải qua ngày Giáng sinh trong không trung. Mỗi lần nạp nhiên liệu phía trên con thường thẳng chạy qua biên giới giữa bang California và Arizona, họ sẽ lấy thêm nhu yếu phẩm và thức ăn. Timm và Cook giải quyết nhu cầu vệ sinh qua toilet cắm trại gấp gọn và vứt túi nylon chứa chất thải trên sa mạc. Một bệ trải rộng được bên phía phi công lái phụ cung cấp thêm không gian để cạo râu và tắm rửa.

    Hai người thay phiên nhau ngủ, dù tiếng ồn của động cơ và rung động khí động khiến việc nghỉ ngơi vào ban đêm trở nên bất khả khi. Hậu quả từ tình trạng mất ngủ là vào ngày 36, Timm ngủ gật trên bảng điều khiển và máy bay tự bay trong hơn một giờ ở độ cao chỉ hơn 1.200 m. Chức năng tự lái đã cứu mạng bộ đôi, dù nó ngừng hoạt động hoàn toàn chỉ vài ngày sau đó.

    Vào ngày 39, bơm điện đưa nhiên liệu lên bình chứa trên máy bay bị hỏng, buộc Timm và Cook phải hoàn thành công việc theo cách thủ công. Khi phá vỡ kỷ lục vào ngày 23/1/1959, những trục trặc kỹ thuật bao gồm máy sưởi cabin, đồng hồ đo nhiên liệu và đèn hạ cánh. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất là động cơ vẫn hoạt động.

    Hai phi công cố gắng ở lâu trong không trung hết mức có thể để đảm bảo không ai có thể phá vỡ kỷ lục mới của họ. Họ bay thêm 15 ngày trước khi hạ cánh ở McCarran vào ngày 7/2/1959, sau khi bay không ngừng nghỉ hơn hai tháng và vượt qua 241.400 km.

    "Tôi cho là họ đã đạt đến cực hạn và quyết định việc đổ gục không tốt chút nào, vì vậy họ hạ cánh. Thân thể họ trông khá tồi tệ. Chúng ta biết không hoạt động trong thời gian dài như vậy rất có hại cho cơ thể. Mặc dù họ vẫn di chuyển quanh máy bay, họ không thể đứng dậy hoặc giãn cơ. Chắc chắn họ không thể tập thể dục hoặc đi lại", Bednarek cho biết.

    An Khang (Theo CNN)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Chuyến bay liên tục dài nhất thế giới

Share This Page