Các dịch vụ mở tài khoản ChatGPT đang nở rộ ở Việt Nam với giá từ 8.000 đến 200.000 đồng, nhưng cũng không ít người bị lừa tiền. Thấy bạn bè chia sẻ các đoạn hội thoại với ChatGPT, Hồng Nhung, nhân viên văn phòng ở Đà Nẵng, cũng tìm cách tạo tài khoản dùng thử. Tuy nhiên, OpenAI chưa hỗ trợ thị trường Việt Nam, Nhung phải tìm cách "lách luật" theo hướng dẫn trên mạng như tải VPN để thay đổi địa chỉ mạng, nạp tiền, thuê số điện thoại ảo... Sau hàng loạt bước phức tạp nhưng không thành công, Nhung tìm đến các dịch vụ mở tài khoản ChatGPT nhưng như rơi vào mê cung. "Có người nói hỗ trợ miễn phí, người lại 'đổi lấy ly cà phê', người báo giá từ 20.000 đến 200.000 đồng", Nhung nói. Cuối cùng, cô chọn một gói giá 20.000 đồng để dùng thử. Đến nay tài khoản của Nhưng vẫn hoạt động bình thường, thi thoảng có hiện tượng quá tải do "nhiều người đăng nhập cùng lúc". Một người rao bán tài khoản ChatGPT với giá 150 nghìn đồng hôm 2/3. Đông Quân, quản trị viên một nhóm về ChatGPT hơn 20.000 thành viên, cho biết khoảng một tuần qua, nhu cầu tạo tài khoản ChatGPT của người Việt tăng mạnh. Mỗi ngày có hàng chục người đăng bài bán tài khoản và các dịch vụ liên quan. Trung bình mỗi bài viết cũng thu hút hàng trăm lượt bình luận, nhờ hướng dẫn cách dùng. Theo ông, trên thị trường, dịch vụ mở tài khoản ChatGPT chia làm bốn nhóm chính. Đầu tiên là các tài khoản được tạo sẵn với tên và mật khẩu, được bán với giá 8-15 nghìn, ưu điểm là rẻ nhưng không đổi được mật khẩu, thường bị quá tải do nhiều người dùng chung. Loại thứ hai sử dụng email của bên cung cấp nhưng người dùng có thể chủ động đổi mật khẩu tài khoản bất kỳ lúc nào, giá thường trên 20 nghìn đồng. Thứ ba là người dùng sẽ yêu cầu mở tài khoản bằng chính email của mình, tuy nhiên chi phí cao hơn, tùy mỗi bên cung cấp sẽ có giá từ 30 nghìn đồng trở lên. Với nhóm thứ tư, tài khoản có sẵn 18 USD và người dùng có thể tùy chỉnh chuyên sâu để tối ưu hóa các kết quả tìm kiếm tùy mục đích. 18 USD này sẽ được trừ dần vào các lần sử dụng. Trung bình OpenAI sẽ tính phí 0,005-0,02 USD cho mỗi ký tự trong câu trả lời. Tài khoản loại này trên thị trường có giá lên đến 200.000 nghìn đồng. Theo Trần Tuấn, chuyên cung cấp dịch vụ trực tuyến tại TP HCM, người đăng ký nhóm thứ ba vẫn có thể dùng các chức năng của nhóm thứ tư nhưng "dân buôn" trên thị trường thường tách ra để nâng giá. Ông cho hay, sở dĩ dịch vụ ChatGPT bị loạn giá vì nhu cầu bùng nổ trong thời gian ngắn còn việc đăng ký lại phức tạp, yêu cầu cả số điện thoại và thanh toán quốc tế. "Một số dịch vụ ăn theo mọc lên, tài khoản được bán sỉ với số lượng lớn, mỗi lần qua tay dân buôn lại đội thêm một giá. Nhiều người thậm chí tranh thủ bán tài khoản loại 1-2 nhưng với giá của loại 3-4 để trục lợi", ông Tuấn nói. Trên thị trường cũng xuất hiện tình trạng bán một tài khoản cho nhiều người sử dụng, thậm chí lấy những tài khoản được chia sẻ miễn phí trên các hội nhóm để bán lại với giá cao. Những tài khoản này hoạt động không ổn định, có thể bị đổi mật khẩu bất cứ lúc nào. Ngoài ra, ông Đông Quân cho biết đã có những người báo cáo lên cộng đồng về trường hợp chuyển tiền nhưng không nhận được tài khoản, hay có người bị lừa truy cập những đường link giả dẫn đến mất tài khoản email. Các chuyên gia cảnh báo nếu chỉ có nhu cầu dùng thử, người dùng nên mua tài khoản loại rẻ nhất, giá vài chục nghìn đồng đổ lại. Trong trường hợp muốn dùng lâu dài, nên đăng ký tài khoản với email chính chủ. Với người làm dịch vụ chuyên nghiệp, việc tạo tài khoản trên OpenAI chỉ mất 5 phút, chi phí tin nhắn dịch vụ khoảng 3.000 đồng. Nếu không có điều kiện tự mở tài khoản, người dùng nên nhờ người quen hoặc chọn dịch vụ uy tín, không chuyển trước tiền, chỉ cung cấp địa chỉ email, không gửi số điện thoại hoặc mật khẩu email và phải đổi mật khẩu trong lần đăng nhập đầu tiên. Theo kỹ sư AI Nguyễn Hoàng Bảo Đại, ChatGPT gây sốt ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì đây là lần hiếm hoi công chúng được tiếp cận với một mô hình trí tuệ nhân tạo lớn. ChatGPT không dừng ở khả năng tán gẫu thông thường như các chatbot truyền thống mà còn có thể tìm kiếm, xử lý nhanh thông tin, trả lời theo ngữ cảnh. Khả năng tiếp nối câu chuyện trong đoạn hội thoại và giao diện dễ dùng với đa số người dùng phổ thông cũng khiến siêu AI này nhanh chóng gây được tiếng vang. Dữ liệu từ Similar Web cho thấy sau hai tháng ra mắt, ChatGPT của OpenAI đã đạt 100 triệu người dùng. Trong khi đó theo thống kê của Sensor Tower, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, còn Instagram mất tới 2,5 năm, Google Translate là 6,5 năm. Khương Nha Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ