Quảng NinhNgười đàn ông 58 tuổi, nghiện rượu 20 năm, dịp Tết uống nhiều rượu nên nôn ra máu, phải nhập viện do xuất huyết tiêu hóa. Ngày 2/2, đại diện Bệnh viện Bãi Cháy thông tin bệnh nhân có tiền sử xơ gan, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Hơn 20 năm nay, mỗi ngày ông uống khoảng 500 ml rượu. Đầu năm, ông nôn khoảng 50 ml máu tươi lẫn máu cục, đại tiện phân đen, bác sĩ kết luận xuất huyết tiêu hóa, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do lạm dụng rượu. Ê kíp bác sĩ nội soi thắt điểm vỡ bằng vòng cao su, cầm máu, hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định. Đây là một trong 13 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do lạm dụng rượu được Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận trong dịp Tết. Theo các bác sĩ, bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây sốc mất máu, tổn thương không phục hồi, dẫn đến tử vong. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan, Phó Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, cho biết những dấu hiệu cảnh báo xuất huyết tiêu hóa như đau thượng vị dữ dội, nôn máu, đi ngoài phân đen hoặc đỏ, hoa mắt, chóng mặt... Xuất huyết tiêu hóa nặng gây sốc, lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy tạng toàn thân, thậm chí tử vong. Sau Tết diễn ra nhiều lễ hội nên khó tránh tụ tập, ăn uống, sử dụng bia rượu. Để phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến gan, thận, tụy, tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ khuyến cáo người dân tránh thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê; hạn chế thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng. Để hệ tiêu hóa lành mạnh, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đúng giờ, đủ ba bữa chính một ngày, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi. Không thức khuya, cân bằng thời gian lao động và nghỉ ngơi, đồng thời rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress