Đan MạchTheo nghiên cứu của Đại học Copenhagen, cà phê sữa giúp tăng gấp đôi tác dụng kháng viêm của các tế bào miễn dịch cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm ngày 31/1. Thông thường, khi virus và các chất khác lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch lập tức giải phóng tế bào bạch cầu và các chất hóa học để tự bảo vệ. Đây được gọi là phản ứng viêm, xảy ra khi gân và cơ hoạt động quá mức, là đặc điểm của các bệnh như viêm khớp dạng thấp. Theo các chuyên gia, hạt cà phê chứa chất chống oxy hóa có tên polyphenol. Trong khi sữa chứa nhiều protein. Hai thành phần này kết hợp với nhau sẽ thúc đẩy tác dụng kháng viêm của cơ thể. Polyphenol cũng có trong thực vật, trái cây và rau quả. Nhóm chất chống oxy hóa này được ngành công nghiệp thực phẩm sử dụng để bảo quản thức ăn, từ đó tránh được mùi vị ôi thiu. Polyphenol tốt cho sức khỏe con người, vì chúng làm giảm căng thẳng - một trong những cơ chế gây viêm nhiễm. Trước đây, giới chuyên gia có ít bằng chứng cho thấy polyphenol có thể phản ứng với các phân tử khác, chẳng hạn protein trong thực phẩm. Ở nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã làm được điều này. Họ điều tra cách thức hoạt động của polyphenol khi kết hợp với axit amin, thành phần cấu tạo của protein. Kết quả cho thấy polyphenol phản ứng với một axit amin thúc đẩy tác dụng ức chế viêm trong các tế bào miễn dịch tăng cường. Như vậy, hỗn hợp này có lợi đối với hệ miễn dịch ở người. Một cốc cà phê sữa đá. Ảnh: Freepik Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã áp dụng phản ứng viêm nhân tạo lên các tế bào miễn dịch. Nhóm tế bào đầu tiên nhận liều lượng polyphenol khác nhau, đã phản ứng với một axit amin. Nhóm thứ hai nhận lượng polyphenol bằng nhau. Nhóm đối chứng cuối cùng không nhận chất này. "Thật thú vị khi quan sát được tác dụng kháng viêm trong thí nghiệm tế bào, Điều này khiến chúng tôi muốn tìm hiểu về tác động sức khỏe (của cà phê sữa) một cách chi tiết hơn", phó giáo sư Andrew Williams. khoa Khoa học Y tế và Sức khỏe, tác giả nghiên cứu, cho biết. Không chỉ cà phê, các nhà khoa học cho biết dùng chung các thực phẩm chứa protein như thịt, cá, trứng và các thực phẩm chứa polyphenol như rau quả cũng thúc đẩy phản ứng kháng viêm. Ngành công nghiệp thực phẩm và cộng đồng nghiên cứu từ lâu đã tập trung tìm hiểu về ưu điểm của polyphenol, nỗ lực phát triển cách bổ sung polyphenol vào thức ăn để đạt hiệu quả tốt nhất. "Vì con người không thể ăn nhiều polyphenol trong cuộc sống thường ngày, các nhà khoa học đang tìm cách đóng gói polyphenol trong cấu trúc protein để cải thiện khả năng hấp thụ của cơ thể. Chiến lược này có thể tăng cường tác dụng kháng viêm của polyphenol", giáo sư Marianne Nissen Lund, khoa Khoa học Thực phẩm, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. Thục Linh (Theo Hindustan Times) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress