Suy sụp, như tát vào mặt, phản bội... là những cụm từ cảm xúc mà nhân viên công nghệ dùng để mô tả làn sóng sa thải bao trùm ngành. "Tôi sốc, tổn thương. Thật khó mô tả cảm giác bị phản bội, nhưng không có bất cứ thứ gì để trút giận", Katie Olaskiewicz, từng là chiến lược gia về con người tại Google, viết trên LinkedIn tuần trước sau khi 12.000 nhân viên công ty bị sa thải trong đó có cô. Cảm xúc của Olaskiewicz được xem là tâm trạng chung của nhân viên Big Tech hai tuần qua khi làn sóng sa thải lan rộng. 40.000 người tại Amazon, Google và Microsoft đã bị cho nghỉ việc. Tính rộng hơn, riêng tháng đầu năm 2023, hơn 150.000 người ở lĩnh vực này đã mất việc. Làn sóng sa thải đang diễn ra mạnh mẽ trong giới công nghệ. Ảnh minh họa: Business Insider Trong nhiều năm, các công ty công nghệ luôn thể hiện môi trường doanh nghiệp không chỉ để làm việc, mà còn là nơi mọi thành viên hỗ trợ nhau như một gia đình, cùng hướng tới mục tiêu chung. Còn giờ đây, trên các mạng xã hội như LinkedIn hay Twitter, hàng nghìn nhân viên cũ than thở về việc bị sa thải một cách tàn nhẫn, vô cảm, khiến họ thấy như bị phản bội. Văn hóa "gia đình" tại các công ty công nghệ Trong thập kỷ qua, sự bấp bênh diễn ra trong nhiều lĩnh vực, gồm công nghệ. Ở Thung lũng Silicon, hàng trăm công ty khởi nghiệp hình thành rồi sụp đổ mỗi năm. Nhưng các hãng lớn (Big Tech) vẫn ổn định và thu hút nhiều nhân tài. Họ nổi tiếng với chính sách đãi ngộ hào phóng, không gian thoải mái và tạo văn hóa gia đình, nơi nhân viên luôn cảm thấy an toàn. Văn hóa này bắt nguồn từ Google. Tại đây, mọi người gọi nhau là Googler, thể hiện họ không chỉ là nhân viên mà còn là một phần ăn sâu của tổ chức. Những ngày đầu thành lập, Google mở ra kỷ nguyên của những khuôn viên công nghệ rộng lớn, đầy đủ tiện nghi. Công ty khuyến khích nhân viên "đem toàn bộ con người mình vào công việc", gắn cuộc sống với công việc. Những ngày đầu của Facebook, hiện là Meta, có nhiều gián đoạn. Nhưng đến những năm 2010, công ty trở thành gã khổng lồ công nghệ theo đúng nghĩa. Tại khuôn viên Menlo Park, nhân viên tham gia các lớp thể dục, ăn sáng miễn phí ở các quán cà phê tùy chọn. Năm 2018, Facebook được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất ở Mỹ, một phần vì nó khuyến khích mọi người thể hiện "con người thật" của mình khi làm việc. Mạng xã hội của Mark Zuckerberg luôn hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, "vết nứt" đầu tiên bắt đầu lộ ra từ 2019. Các công ty lớn dính phải bê bối không thể giải quyết triệt để, nổi bật là Facebook. "Áp lực đè nặng nhưng chúng tôi phải hành động như thể mọi thứ đều ổn và yêu thích công việc, đến mức khiến chúng tôi đau lòng", một nữ nhân viên của Facebook nói với CNBC năm 2019 . "Có lẽ không nên tạo áp lực theo cách giả vờ yêu như vậy". Trong vài tháng qua, chính những công ty nuôi dưỡng tư duy gia đình ở Thung lũng Silicon lại tự tay đập tan ảo tưởng đó. Công ty phần mềm Salesforce được thành lập dựa trên niềm tin của CEO Marc Benioff vào triết lý "ohana", có nghĩa gia đình trong tiếng Hawaii. Khi đến lúc phải cho 10% lực lượng lao động thôi việc, ông nhắc lại khái niệm về gia đình nơi làm việc. "Những nhân viên bị ảnh hưởng không chỉ là đồng nghiệp. Họ là bạn bè. Họ là gia đình", ông viết trong thư gửi nhân viên. Tháng 11 năm ngoái khi cắt giảm 11.000 nhân viên, Zuckerberg cũng sử dụng ngôn ngữ gia đình, cảm ơn những người phải nghỉ việc vì đã đặt "trái tim và tâm hồn vào nơi này". Lời nói dối "công ty như gia đình" Trong số 12.000 nhân viên Google bị sa thải, có những người đang nghỉ thai sản hoặc đang mang thai. "Đáng lẽ hôm nay là ngày tuyệt vời với tôi, nhưng đã bị ảnh hưởng bởi tin sốc này", Natasha Nesiba, kỹ sư Google, nói. Cô nhận thông báo mất việc vào ngày 20/1, chỉ vài giờ trước khi sinh đứa con thứ hai. "Thật khó tin sau 20 năm làm việc tại Google, tôi bất ngờ biết về ngày làm việc cuối cùng của mình qua email", một kỹ sư phần mềm viết trên Twitter. "Nó như một cái tát vào mặt. Tôi ước mình có thể gặp trực tiếp để nói lời tạm biệt với mọi người, mặt đối mặt". Ý tưởng về nơi làm việc như một gia đình nghe có vẻ bình dị trên giấy tờ. Tuy nhiên, trong cuốn Out of Office xuất bản năm 2021, nhà báo Charlie Warzel và Anne Helen Petersen lập luận: "Bạn đã có một gia đình, bạn được chọn nữa hay không? Và khi công ty sử dụng lời hoa mỹ đó, họ đang định hình một mối quan hệ giao dịch thành mối quan hệ tình cảm". Theo tác giả, môi trường "như gia đình" tạo cảm giác hấp dẫn, nhưng lại có tính thao túng. Nó khiến người lao động cảm thấy họ nên hạn chế xin nghỉ phép, xin tăng lương hoặc khiếu nại về hành vi xấu trong công việc. "Những gì bề ngoài đáng lẽ là mối quan hệ bình đẳng lại trở nên sa lầy trong vũng lầy tội lỗi", cuốn sách nêu. Eden King, giáo sư tại Đại học Rice, nhận định một số công ty thuyết giảng về tâm lý gia đình thực chất chỉ là lời nói dối và sử dụng nó "như một màn khói mờ ảo để bòn rút nhiều hơn từ nhân viên của mình". Sylvia Bonilla Zizumbo, từng làm 17 năm tại Google trước khi thành lập công ty riêng, cho rằng một công ty có văn hóa gia đình sa thải nhân viên sẽ mang lại cảm giác tệ hại. "Đó là đòn giáng mạnh đối với người bị sa thải và người vẫn đang làm việc cho công ty", bà nói. Theo Eden King, việc cắt giảm nhân viên kém hiệu quả để nhường chỗ cho các ngôi sao mới theo thời gian là điều bình thường. Tất cả ứng viên khi được tuyển đều biết quy trình này. Việc họ tồn tại ở công ty hay không sẽ được quyết định dựa trên đánh giá về hiệu quả công việc. Zizumbo cho rằng công việc và cuộc sống nên có sự tách biệt. "Tôi đã nghe đến những điều hối tiếc, rằng bạn đã cống hiến hết mình cho công việc, bạn đã trung thành, bạn không quan tâm đến những điều quan trọng trong cuộc đời mình, chỉ để rồi bị sa thải", bà nói. "Cuối cùng, bạn không lấy lại được quãng thời gian". Bảo Lâm (theo Business Insider) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ