Chọn cặp tạ nặng 10 kg, Hương Trà 33 tuổi, ở Bắc Giang, tư thế đứng tấn hai tay nâng tạ trên vai, chiếc bụng bầu 6 tháng đã nhô lên thấy rõ. Đây là lần mang thai thứ tư, chị Trà có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc thai kỳ và lắng nghe cơ thể. Chị vừa chăm 3 con, vừa thu xếp việc nhà, nhưng đến cuối ngày chị lại đến phòng tập gym, 5 buổi một tuần. Trà chia sẻ khi sinh bé thứ hai chị tăng 18 kg, nên quyết định tập gym để lấy lại vóc dáng. Qua ba tháng kết hợp tập luyện và ăn uống, từ 67 kg đã giảm được 10 kg. Lần mang thai thứ ba, chị vẫn tập như bình thường và ngừng tập khi thai ở tuần 39. "Hai lần sinh đầu tiên tôi thường bị mỏi người, đau phần hông, mất ngủ. Lần mang thai thứ ba, nhờ duy trì tập gym nên tôi luôn thấy khỏe", Trà nói và thêm rằng vì vậy kỳ thai này chị rút kinh nghiệm, tập luyện ngay từ đầu. Với sự hướng dẫn của huấn luyện viên, Hương Trà tập luyện xen kẽ từng phần thân trên, thân dưới và toàn thân. Ba tháng đầu thai kỳ, chị tập với cường độ nhẹ, chú ý quan sát cơ thể. Trong hơn một tiếng tập, chị dành thời gian khởi động, giãn người để giảm đau, căng cơ. Từ tháng thứ tư, Hương Trà tập gym với cường độ bình thường, không tập các bài tác động nhiều đến phần bụng. Chị dành nhiều thời gian đi bộ, vẫn tập tạ nhưng giảm dần trọng lượng, tùy từng bài tập chọn loại tạ nặng 10-12 kg. Ngoài vận động, Hương Trà ăn theo chế độ eat clean (chọn thực phẩm tươi, không qua chế biến). Chị không ăn món nhiều dầu mỡ, nạp đầy đủ nhóm chất đạm, xơ và tinh bột với lượng vừa đủ, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Rau quả và trái cây chiếm 70% trong chế độ ăn của chị. Cũng với chế độ ăn và tập này, lần mang thai thứ ba Trà tăng 9 kg, thời gian chuyển dạ chỉ diễn ra trong 45 phút, em bé sinh thường nặng 3,9 kg. Hiện, 6 tháng mang thai bé thứ tư, Hương Trà tăng 4 kg. Theo Trà, tập gym giúp cô khỏe mạnh, ăn uống và ngủ ngon giấc hơn, không nôn nghén hay mệt mỏi. Ở tháng thứ 6 của thai kỳ, Hương Trà duy trì tập gym 5 buổi một tuần. Ảnh: Nhân vật cung cấp Tương tự, Vân Anh, 31 tuổi, huấn luyện viên thể hình ở Bắc Giang, duy trì tập gym suốt thời gian có bầu và sinh hai con đầu, đồng thời dạy cho nhiều học viên là mẹ bầu khác. Cô đang mang thai con thứ ba được 37 tuần và vẫn giữ thói quen tập luyện. Theo Vân Anh, vận động giúp mẹ bầu giảm ốm nghén, mệt mỏi, hạn chế các chứng đau lưng, mỏi vai gáy. Cô thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, theo dõi trạng thái của thai nhi. Hai lần sinh trước, Vân Anh tăng 7 kg và 5 kg, hai con chào đời đều nặng 3,4 kg. Theo kinh nghiệm, mang thai được hai tháng, thai nhi ổn định là Vân Anh bắt đầu tập gym với các bài tập như bình thường, kết hợp đi bộ trên máy để rèn sức bền và tăng cường sức khỏe tim mạch. Cô không tập các động tác gập bụng, nhảy dây, chạy nhanh và đạp xe. "Vì đã có kinh nghiệm tập gym, khi mang thai tôi vẫn tập 5 buổi một tuần nhưng chỉ dùng sức khoảng 50-60% so với bình thường", Vân Anh chia sẻ với tư cách là huấn luyện viên. Theo đó, cô khuyên mỗi mẹ bầu nên chọn chế độ tập luyện riêng, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Người chưa từng tập gym thì nên tập ba buổi một tuần với những động tác nhẹ nhàng, thư giãn. Cô cũng khuyên mẹ bầu ăn theo lượng calo tự tính. Từ tháng thứ tư, bà bầu tăng thêm 200-300 calo trong khẩu phần ăn, chia nhỏ thành từng bữa. Theo cô, nạp gấp đôi dinh dưỡng khi mang thai chỉ khiến người mẹ tăng cân vượt mức. "Tập gym khi mang thai để giúp cơ thể người mẹ khỏe hơn, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng về việc giảm mỡ giảm cân mà nên tăng khoảng 10 kg để tốt cho mẹ và bé", Vân Anh nói. Vóc dáng của Vân Anh trước ngày sinh con, ở tuần thai 37. Ảnh: Nhân vật cung cấp Theo bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, phụ nữ mang thai được khuyến khích tập thể dục. Tuy nhiên, với bất kỳ môn thể thao nào, thai phụ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập. Tương tự, bác sĩ Lê Hữu Thắng, khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cho biết tập thể dục khi mang thai giúp bà bầu duy trì và cải thiện hệ tim mạch, hô hấp, giảm đau vùng chậu và thắt lưng, không tăng cân quá mức trong thai kỳ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tiền sản giật. "Khi duy trì thói quen vận động, thai nhi tăng cường trao đổi chất, mẹ bầu cũng được giảm thiểu căng thẳng, lo lắng trong thời gian mang thai, cơ thể linh hoạt và ngủ ngon giấc hơn", bác sĩ Thắng nói. Bác sĩ khuyến cáo bà bầu tập thể thao không nên chọn các môn đối kháng như võ thuật, đấm bốc vì nguy cơ chấn thương cao. Trong quá trình tập, nếu thấy đau bụng, nghẹt thở hoặc ra máu âm đạo, cần đi khám kịp thời. Trường hợp sức khỏe thai nhi không ổn định hoặc thai phụ mắc bệnh lý như tim mạch, nên chọn bộ môn vận động nhẹ nhàng. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên bổ sung nhiều dinh dưỡng từ đa dạng thực phẩm. Tùy theo số cân nặng ban đầu, thai phụ nên tăng 10-12 kg để đạt mức dinh dưỡng phù hợp. "Thai phụ đã quen tập gym, nâng tạ từ trước khi mang thai, vẫn cần tập với mức độ vừa sức, kết hợp theo dõi cơ thể", bác sĩ Thương khuyên. Hải Hà Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress