Sự hiếu kỳ về cách tạo ra các trò chơi điện tử lúc nhỏ đã khơi dậy đam mê của TS Lê Phạm Tuyên, nhà khoa học vừa giành giải thưởng Quả cầu Vàng năm qua. Ở tuổi 32, TS Lê Phạm Tuyên đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển, công ty AgileSoDA, Hàn Quốc. Sở hữu 10 bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ tại Hàn Quốc, 7 bài báo công bố quốc tế, 20 bài báo công bố hội thảo khoa học quốc tế, anh kể giấc mơ bắt đầu từ chính những trò chơi điện tử thuở nhỏ. Tuyên theo học cấp 3 ở trường chuyên Lương Văn Chánh (Tuy Hòa, Phú Yên). Xa gia đình, chàng trai 9x nhanh chóng bị hấp dẫn bởi nhiều trò chơi điện tử thịnh hành. Cậu thường tự hỏi sao người ta có thể sản xuất trò chơi trên máy tính hấp dẫn như thế. Với sự tò mò và ham khám phá, cậu học trò quyết nộp hồ sơ vào khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM, sau đó thi đỗ lớp kỹ sư tài năng. Ra trường năm 2013, Tuyên làm ở một công ty phần mềm một năm rồi quyết định sang Hàn theo đuổi giấc mơ du học. Anh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ tại khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính ĐH Kyung Hee, Hàn Quốc. Tuyên kể, giai đoạn đầu khó khăn nhất, chật vật tìm hướng nghiên cứu. May mắn Tuyên gặp được đàn anh là TS Ngô Anh Viên, lúc đó đang là giảng viên trường đại học Queen's Belfast, Anh. Ở hai đất nước khác nhau, họ thường xuyên kết nối và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết cho đề tài. Sự giúp đỡ từ Viên cũng là bước đệm hình thành những bước đi đầu tiên để Tuyên theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sau này. TS Tuyên hiện là trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển của AgileSoDA tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC Nghiên cứu đầu tiên của TS Tuyên và TS Viên cùng nghiên cứu là đề xuất giải thuật học tăng cường với policy (có thể hiểu là bộ não của AI Agent) được mô hình hóa trong không gian Hilbert (không bị giới hạn về chiều tham số) giúp tận dụng được những đặc điểm của không gian này. Giải thuật được áp dụng vào những ứng dụng điều khiển pendulum, UAV mang lại kết quả khả quan khi mà policy của agent có thể được mô hình hóa trong không gian Hilbert trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả lấy mẫu. Nghiên cứu cũng đề xuất việc sử dụng kỹ thuật giúp cải thiện hiệu suất sử dụng dữ liệu, cũng như hiệu chỉnh tham số trong quá trình huấn luyện, tránh cho việc policy quá khớp với dữ liệu huấn luyện. Hiện nay "bộ não của AI" bị thống trị bởi những mạng lưới thần kinh sâu với số chiều giới hạn, do đó nghiên cứu này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Càng nghiên cứu càng "say", TS Tuyên tập trung sâu hơn về các giải thuật học tăng cường nhằm xây dựng những giải pháp công nghệ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, robotics, chế tạo công nghiệp hay ứng dụng thiết kế vật lý cho vi mạch bán dẫn và bảng mạch in. Anh cho biết số lượng nghiên cứu về lĩnh vực học tăng cường tăng lên ngày càng nhiều, song ứng dụng thực tế vào các ngành công nghiệp lại khá ít, chủ yếu ở games và robotics. "Định hướng của chúng tôi là tìm ra nhiều hơn lĩnh vực công nghiệp có thể tận dụng được lợi thế của học tăng cường", TS Tuyên nói với VnExpress. Thời gian làm việc tại AgileSoDA, đơn vị chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại Hàn Quốc, TS Tuyên sở hữu 10 bằng độc quyền sáng chế. Trong đó, 7 sáng chế về ứng dụng giải thuật học tăng cường vào giải quyết bài toán phát hiện gian lận hay tự động hóa quá trình yêu cầu bồi thường tại các công ty bảo hiểm. Những sáng chế này mô tả cách dữ liệu được xử lý, các thành phần của giải thuật, cách thiết kế hàm thưởng giúp tạo nền tảng xây dựng BakingSoDA, sản phẩm được một số công ty lớn tại Hàn Quốc sử dụng. Anh giải thích thêm, nhiều công ty lớn tại Hàn Quốc muốn sử dụng giải thuật học tăng cường để giải quyết bài toán như phát hiện gian lận, tự động hóa yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên việc ứng dụng còn nhiều hạn chế và khó khăn do sự phức tạp trong việc thiết kế giải thuật cũng như triển khai và vận hành hệ thống. Sản phẩm BakingSoDA ra đời giúp doanh nghiệp dễ dàng ứng dụng giải thuật học tăng cường bằng cách trực quan hóa việc thiết kế giải thuật thông qua nền tảng web. Với những thành tích xuất sắc, TS Lê Phạm Tuyên trở thành 1 trong số 10 nhà khoa học trẻ nhận giải khoa học công nghệ Quả cầu Vàng 2022. TS Lê Phạm Tuyên (giữa) được vinh danh tại giải thưởng Quả cầu Vàng 2022. Ảnh: Tùng Đinh Với vai trò là giáo sư hướng dẫn, GS Tae Choong Chung, ĐH Kyung Hee rất ấn tượng về TS Lê Phạm Tuyên về sự nhiệt huyết và tài năng, yêu thích nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, nơi ứng dụng AI trong thực tiễn. TS Tuyên theo đuổi nghiên cứu giải thuật học tăng cường, một trong ba lĩnh vực học máy của trí tuệ nhân tạo. Đây là lĩnh vực tương đối khó, có ít nhà nghiên cứu chuyên sâu và ít tài liệu, do đó đòi hỏi tự khám phá. "Cậu ấy đã làm rất tốt bằng trí tuệ, sự nhiệt huyết, có được những bài báo xuất sắc và được công nhận", GS Chung chia sẻ với VnExpress qua email. TS Tuyên cho biết thêm, anh cùng các cộng sự sẽ tiếp tục xây dựng những giải pháp dựa vào nghiên cứu mới nhất về AI ứng dụng vào cuộc sống, trong đó có ứng dụng AI trong thiết kế mạch bán dẫn. "Tôi luôn hy vọng có thể góp phần nhỏ bé làm cầu nối trong lĩnh vực công nghệ thông tin giữa Việt Nam và Hàn Quốc", anh nói. Như Quỳnh Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress