Hà Lan cho biết sẽ không chấp nhận đề nghị của Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Phát biểu được Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher đưa ra ngày 15/1 trên kênh truyền hình Buitenhof, trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 17/1. Nhóm kỹ sư học vận hành máy EUV tại trung tâm đào tạo của ASML Holding ở Đài Loan ngày 20/8/2020. Ảnh: Reuters "Chúng tôi đã trao đổi với Mỹ trong thời gian dài trước khi họ đưa ra bộ quy tắc mới vào tháng 10 năm ngoái. Điều đó thay đổi nhiều thứ", bà Schreinemacher cho biết. "Vì vậy, không thể nói họ đã gây áp lực cho chúng tôi trong hai năm qua và giờ chúng tôi phải nghe theo. Chúng tôi sẽ không thực hiện". Hà Lan đang được cả Mỹ và Trung Quốc chú ý đến bởi sự có mặt của "ngôi sao" đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn toàn cầu là ASML. ASML không tạo ra chip. Tuy nhiên, họ có vai trò gần như độc quyền, thậm chí được ví là điểm nghẽn cổ chai, bởi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc - thiết bị tối quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím (EUV), phục vụ cho những nhà sản xuất như TSMC. Do đó, ASML trở thành một trong những công ty chip quan trọng nhất thế giới, được đánh giá là nắm giữ chìa khóa cho tương lai lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Kể từ 2018, Mỹ được cho là đã liên tục vận động hành lang để Hà Lan cấm xuất khẩu máy quang khắc sang Trung Quốc, với lo ngại rằng các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể tạo ra những sản phẩm ứng dụng AI và sử dụng cho các mục đích quân sự. Chính phủ Hà Lan đã yêu cầu ASML ngừng vận chuyển máy móc tiên tiến nhất của họ sang Trung Quốc từ năm 2019, sau chiến dịch gây áp lực dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ASML vẫn được phép bán máy móc công nghệ cũ hơn từ năm 2021 và thu về hơn hai tỷ euro. Tháng 10 năm ngoái, Mỹ thông qua các biện pháp nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip của Trung Quốc. Các quan chức thương mại Mỹ khi đó cho biết họ mong đợi Hà Lan và Nhật Bản cũng làm điều tương tự. Theo bà Schreinemacher, Mỹ có "những lo lắng chính đáng" về việc phụ thuộc nhiều vào châu Á, nơi sản xuất 80% chip tiên tiến cho thị trường. Việc ASML không bán máy quang khắc tiên tiến nhất cho Trung Quốc từ 2019 thực tế gây nhiều tác động và Huawei là công ty ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo CNBC, hiện không có hệ thống EUV nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái của Hà Lan có thể là tín hiệu tốt cho các công ty bán dẫn nước này. Theo công bố của ASML, 30% doanh thu của công ty năm 2020 là từ Trung Quốc nhưng chỉ còn 10% trong quý II/2022. Con số này được dự đoán tiếp tục thu hẹp trong những năm tới do các tác động từ Mỹ. Bảo Lâm (theo SCMP) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ