Công ty Trung Quốc phát triển turbine gió với diện tích quét của cánh quạt lên tới 66.052 m2 và có thể sản xuất 80 GWh điện mỗi năm. Các turbine gió đang trở nên ngày càng đồ sộ. Ảnh: Ming Yang Hôm 6/1 Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc (CSSC) công bố nguyên mẫu turbine gió H260 18MW, vượt qua MySE 16.0-242 của công ty MingYang để trở thành turbine gió lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, MingYang đã trở lại cuộc đua khi hé lộ mẫu turbine mới lớn hơn đáng kể mang tên MySE 18.X-28X, cao tương đương tòa nhà 70 tầng, New Atlas hôm 15/1 đưa tin. Trong khi H260 18MW có cánh quạt dài 128 m, MySE 18.X-28X hứa hẹn sẽ vượt qua ngưỡng 18 MW với cánh quạt khổng lồ dài 140 m và diện tích quét lên tới 66.052 m2. MingYang cho biết, turbine có thể chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt nhất ngoài đại dương, kể cả bão mạnh với tốc độ gió trên 202 km/h. Với tốc độ gió trung bình là 30,6 km/h, công ty này dự đoán thiết bị sẽ sản xuất 80 GWh điện mỗi năm, đủ cung cấp cho 96.000 cư dân. Các công ty phát triển turbine gió khổng lồ vì việc tăng diện tích quét của cánh quạt sẽ làm tăng diện tích vùng trời có thể khai thác năng lượng, từ đó tăng năng suất tổng thể. Ngoài ra, cách này còn giúp giảm chi phí xây trang trại điện gió, vốn đòi hỏi công đoạn neo turbine xuống đáy biển tốn kém. Điều này cũng dẫn đến giảm giá thành của điện gió. "So với việc lắp đặt các turbine 13 MW, công suất cao của MySE18.X-28X sẽ giúp giảm 18 thiết bị khi xây trang trại điện gió 1 GW, đồng nghĩa giảm chi phí xây dựng khoảng 120.000 - 150.000 USD mỗi MW", MingYang cho biết. Như vậy, một dự án quy mô 1 GW sẽ tiết kiệm được 120 - 150 triệu USD. Để tham khảo, Dự án Hornsea One 1,2 GW, xây bằng các turbine 7 MW, ước tính tiêu tốn ít nhất 5,15 tỷ USD. Số tiền 150 triệu USD không phải thay đổi quá ngoạn mục nhưng vẫn chiếm vài % trong dự án lớn này. Thu Thảo (Theo New Atlas) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress