Chồng tôi đi nhậu về thường bị ho, cảm, sốt lạnh, có phải do rượu khiến cơ thể yếu, mệt rồi suy nhược và cảm lạnh? Xin bác sĩ tư vấn. (Tiên, 29 tuổi, Hà Nội) Trả lời: Uống rượu và tiếp xúc với môi trường lạnh có thể gây tình trạng nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt. Lúc này, người uống rượu thường lơ mơ, mất kiểm soát. Đột ngột tiếp xúc với thời tiết lạnh có thể khiến mạch máu nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp, làm xuất hiện đột quỵ não, đặc biệt ở những người có tiền sử tăng huyết áp hoặc dị dạng mạch não. Người có cơ địa yếu, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Nhiều người cho rằng uống rượu để cảm thấy ấm hơn là sai. Khi uống rượu, chất ethanol làm giãn mạch máu da, kèm cảm giác cháy ở cổ họng khiến bạn cảm thấy ấm hơn. Tuy nhiên, thân nhiệt của người uống rượu thực sự không tăng, và cảm giác nóng này sẽ nhanh chóng qua đi. Lạm dụng rượu, nghĩ càng uống cơ thể càng ấm lên sẽ gây hại đến hệ thần kinh, lâu dài dẫn tới các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim. Uống rượu nhiều còn làm suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo âu, thậm chí lệ thuộc vào rượu. Trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất không sử dụng quá hai đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, một đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Theo đó, một đơn vị cồn tương đương với khoảng 3/4 chai hay lon bia có dung tích 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Phụ nữ có thai, chuẩn bị có thai, mgười suy tim, người bệnh gan hoặc tụy, người từng bị đột quỵ... không nên uống rượu. Trong thời tiết lạnh, người uống rượu nên giữ ấm, tránh lạnh đột ngột. Ăn đầy đủ trước và trong khi uống rượu. Sau khi uống rượu, mọi người uống nước gừng hoặc trà gừng để giải rượu. Không có gừng, có thể thay thế bằng nước chanh, nước cam. Không nên mua uống rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường. Bác sĩ Đinh Thế Tiến Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress