MỹSau uống rượu, một số người trải qua tình trạng tim đập nhanh, u sầu và lo lắng không kiểm soát, do các chất hóa học trong đồ uống này tác động lên hệ thần kinh. Theo tiến sĩ Akhil Anand, bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Cleveland ở Rochester, "hangxiety" là thuật ngữ của văn hóa đại chúng, kết hợp giữa "hangover" (cơn nôn nao sau uống rượu) và "anxiety" (lo lắng). "Đây không chỉ là vấn đề tâm lý, mà còn là thể chất. Tim bạn đập nhanh, dạ dày bồn chồn và khó chịu", ông giải thích. Tiến sĩ Anand cho biết gần 25% bệnh nhân của ông báo cáo tình trạng hangxiety. Nguyên nhân của nó có thể bắt nguồn từ một số yếu tố về thần kinh. Theo tiến sĩ Anand, rượu làm đảo lộn các chất hóa học thần kinh của não bộ, ảnh hưởng đến tất cả chất dẫn truyền thần kinh. Tiến sĩ Kendra Kubala, nhà tâm lý học lâm sàng tại New York, giải thích dopamine, chất giúp cơ thể kiểm soát sự lo lắng, bị ức chế trong quá trình tỉnh rượu. Ngoài ra, cortisol, thường được mệnh danh là "hormone căng thẳng", tăng lên trong quá trình này. Rượu làm mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn bằng cách mô phỏng hormone thư giãn tự nhiên có tên Aminobutyric. Tuy nhiên, khi rượu dần bị đào thải, cơ thể người trở lại trạng thái ban đầu, dẫn đến một "trận chiến về hóa học", theo tiến sĩ Kubala. Các chất đối kháng với Aminobutyric, glutamate sẽ cố đưa tâm trí về trạng thái cân bằng. Giai đoạn tái cân bằng xảy ra khoảng một ngày sau khi uống rượu có thể gây lo lắng và kích động. Khi cố gắng "thiết lập lại", bộ não khiến tâm trạng lên xuống thất thường. "Rượu là chất gây trầm cảm và có tác dụng an thần. Nó giúp chúng ta cảm thấy thư giãn, nhưng khi dừng lại, não bộ sẽ cố gắng điều chỉnh lại các tác dụng an thần đó, để lại cảm giác khó chịu, lo lắng và cáu kỉnh", Arielle Baskin-Sommers, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Yale, cho biết. Nhiều người bị lo lắng, bồn chồn kết hợp cảm giác nôn nao sau khi uốg rượu. Ảnh: SCMP Rượu cũng có thể giải phóng endorphin, làm gia tăng cảm giác hạnh phúc và tâm trạng tích cực. Tuy nhiên, khi mức endorphin giảm trở lại, tâm trạng người uống rượu "sụp đổ" nghiêm trọng hơn. Yếu tố quan trọng khác dẫn đến tình trạng hangxiety là mất trí nhớ ngắn hạn. Người uống nhiều rượu thường không thể nhớ được các sự kiện đêm hôm trước. Nhiều người cho rằng nôn nao sau uống rượu chỉ đơn thuần là vấn đề thể chất, với các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, các hậu quả về tâm lý tương đối phổ biến. Trên thực tế, giáo sư Baskin-Sommers cho biết tình trạng lo lắng, buồn rầu và bồn chồn là những biểu hiện thường gặp hơn cả. "Những người mắc chứng lo âu từ trước hoặc gặp các tình trạng sức khỏe tâm thần khác có nguy cơ cao ảnh hưởng tâm lý sau khi uống rượu", bà nói. Các triệu chứng chủ yếu của hangxiety là nhịp tim tăng, đổ mồ hôi, lo lắng, bồn chồn, buồn bã không lý do. Rượu cũng làm gián đoạn giấc ngủ, vì vậy việc đưa ra quyết định, tập trung hoàn thành các công việc đơn giản trở nên khó khăn hơn. Tuổi tác, tửu lượng, lượng nước trong cơ thể trước đó, tình trạng thuốc men đều ảnh hưởng đến khoảng thời gian một người bị hangxiety. "Nhìn chung, mọi người trải qua các triệu chứng thể chất trong thời gian ngắn hơn so với các triệu chứng tâm lý. Điều quan trọng là não bộ mất bao lâu để trở lại trạng thái ban đầu", Baskin-Sommers nói. Các chuyên gia đều nhận định cách tốt nhất để giảm cảm giác lo lắng nôn nao là uống ít rượu hơn, dành thời gian để đánh giá mức độ uống rượu bia của bản thân. "Bạn có thể xem xét động cơ uống rượu và tình trạng của bản thân trước khi uống. Nếu bạn uống rượu chỉ để 'cảm thấy dễ chịu hơn' hoặc dùng rượu để giải quyết sự chán nản, hãy nhớ các cảm giác này sẽ tồi tệ hơn sau khi uống", Baskin-Sommers nói. Thục Linh (Theo SCMP) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress