Phú ThọNgười đàn ông 60 tuổi, bị viêm lưỡi ba tháng, tự mua thuốc uống tại nhà song bệnh ngày càng nặng, khi đi khám được chẩn đoán ung thư. Ngày 5/1, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, cho biết bệnh nhân bị viêm, nhiệt lưỡi trong thời gian dài nhưng không đi khám, tự mua thuốc uống điều trị tại nhà. Gần đây, bệnh nhân đau nhiều, uống thuốc không đỡ nên đi khám. Kết quả sinh thiết vùng tổn thương ở lưỡi và giải phẫu xác định bệnh nhân mắc ung thư lưỡi. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật, nạo vét tổn thương, sau đó hóa trị để ngăn bệnh di căn. Ung thư lưỡi là bệnh hiếm gặp, thường xảy ra ở nhóm trung niên 50-60 tuổi. Giai đoạn đầu, người bệnh cảm giác khó chịu như xương đâm ở lưỡi, thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc có vết loét nhỏ, có hạch. Các triệu chứng này không xuất hiện dồn dập nên bệnh nhân có thể bỏ qua, thậm chí nhầm với viêm, nhiệt miệng. Giai đoạn muộn hơn, người bệnh đau khi ăn uống, khó khăn khi nói, nuốt, sốt, sụt cân, hơi thở khó chịu. Nhiều bệnh nhân xuất hiện ổ loét ở lưỡi, dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, gây đau. Nhóm nguy cơ mắc ung thư lưỡi là người có răng bị mòn, mẻ, mọc lệch... khiến răng cọ vào bờ lưỡi gây tổn thương, viêm bờ lưỡi mạn tính. Tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát có thể sinh ra các tế bào lạ và chuyển thành ung thư. Người có răng sâu, tổn thương vùng răng lợi mạn tính, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, hoặc nhiễm virus HPV (type 11, 16), chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, di truyền... cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ung thư lưỡi ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị để kéo dài thời gian sống. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần điều trị sớm các tổn thương vùng răng miệng, khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp có tổn thương viêm bờ lưỡi mạn tính nên khám 6 tháng một lần. Minh An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress