Rượu bia ảnh hưởng thế nào đến não người say

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 2, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 134)

    MỹRượu bia là chất gây trầm cảm, có tác dụng ức chế hoạt động thần kinh trong não, song cũng giải phóng dopamine tạo cảm giác hưng phấn.


    Rượu là một trong những chất gây nghiện được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hàng triệu người tận hưởng cảm giác kích thích, thoải mái mà nó tạo ra, đặc biệt là trong các cuộc tụ họp.

    Trong nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu lên não bộ người say, các nhà khoa học tại Đại học Pittsburgh chia 700 tình nguyện viên thành từng nhóm ba người uống rượu với nhau trong vòng 26 phút.

    Ban đầu, các tình nguyện viên không cười nhiều và giữ tâm trạng bình tĩnh. Tuy nhiên, sau khi uống vodka, nét mặt của họ thay đổi. Họ cười nói, giao tiếp nhiều hơn. Các nhà khoa học gọi đây là "khoảnh khắc vàng", khi cả ba người trong một nhóm đều cười với nhau.

    "Có vẻ như cả nhóm đã thực sự xích lại gần nhau. Tôi nghĩ sự say xỉn là một phần của trải nghiệm xã hội", Michael Sayette, giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Rượu và Hút thuốc tại Đại học Pittsburgh, cho biết.

    Theo Jodi Gilman, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, giám đốc khoa học thần kinh của Trung tâm Thuốc gây nghiện, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, giống với bất kỳ loại chất gây nghiện nào khác, rượu ảnh hưởng đến não bộ.

    Ethanol trong đồ uống có cồn thấm vào tế bào và não bộ trong vài phút sau khi dùng. Nó có tác dụng lan rộng trong não. Không giống với những chất gây nghiện hoặc kích thích có tác động lên các thụ thể cụ thể, rượu là một chất có thể đi khắp não. Điều này cũng khiến việc nghiên cứu về tác động của rượu trở nên khó khăn hơn, Jessica Weafer, nhà tâm lý học tại Đại học Kentucky, cho biết.

    Rượu là chất gây trầm cảm, ngăn chặn hoạt động thần kinh trong não. Nó cũng khuếch đại tác dụng của hóa chất ức chế hoạt động thần kinh là GABA và glycine bằng cách tác động lên cùng thụ thể mà chất dẫn truyền thần kinh liên kết. Đồng thời, rượu ức chế tác dụng của hóa chất kích thích não, tạo ra các tác động kép làm giảm hoạt động của não.

    Tác động của rượu chia làm hai giai đoạn. Ban đầu, với lượng rượu thấp, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện. Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Sự lên xuống tinh thần tương ứng với sự lên xuống của nồng độ cồn trong máu.


    [​IMG]

    Rượu giúp kết nối xã hội nhưng không nên lạm dụng. Ảnh: Freepik


    Để tìm hiểu hoạt động của rượu trong bộ não người say, các nhà nghiên cứu cho một nhóm tình nguyện viên dùng rượu qua truyền tĩnh mạch khi họ được chụp cộng hưởng từ hình ảnh thần kinh.

    Họ nhận ra rằng rượu làm giảm hoạt động ở các phần vỏ não trước. Đây là khu vực quan trọng với các chức năng kiểm soát, điều hành, chẳng hạn ngăn chặn các hành vi thông thường con người không muốn thực hiện. Khi rượu ức chế hoạt động của khu vực này, người uống cảm thấy hưng phấn hơn.

    Rượu cũng giải phóng dopamine và tăng cường hoạt động ở vùng thể vân, một vùng não quan trọng liên quan đến các kích thích có lợi. Tiến sĩ Weafer và các đồng nghiệp đã phát hiện hoạt động thần kinh ở thể vân tương ứng với mức độ kích thích của rượu, gây ra một số cảm xúc ở người uống.

    Các tình nguyện viên được tiêm rượu vào tĩnh mạch cho biết họ vẫn thích cảm giác này, dù chỉ đang nằm trong máy quét.

    Rượu ảnh hưởng đến các trung tâm cảm xúc của não. Trong một nghiên cứu, rượu làm giảm phản ứng thần kinh trong hạch hạnh nhân với biểu hiện tiêu cực trên khuôn mặt. Đây có thể là lý do rượu được coi như chất xúc tác trong giao tiếp xã hội, giáo sư Gilman, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

    Bên cạnh đó, rượu không chỉ có tác dụng dược lý. "Bộ não của người thích tương tác với các bộ não khác. Phản ứng của nó thay đổi đáng kể giữa việc bạn uống một mình hay uống với nhiều người", Sayette nói.

    Ở gần những người khác trong một môi trường xã hội có thể làm tăng cảm giác say, rượu dường như kích thích cảm xúc tốt đẹp đó. Trong nghiên cứu năm 1970, các nhà khoa học khảo sát tâm trạng của tình nguyện viên khi uống rượu một mình và uống theo nhóm. Kết quả cho thấy khi uống một mình, mọi người nói về tác động sinh lý như chóng mặt nhiều hơn là sự thay đổi tâm trạng. Nhưng khi uống rượu trong nhóm, họ nói nhiều hơn về cảm giác phấn chấn, hào hứng.

    Các nghiên cứu đều cho thấy uống rượu không tốt cho sức khỏe, chứng rối loạn sử dụng rượu có thể gây chết người. Tuy nhiên, thưởng thức một vài ly vào các thời điểm cần tạo kết nối xã hội vẫn rất có ích.

    Khi uống rượu vào ban đêm, các nhà nghiên cứu khuyến nghị mọi người ăn trước và uống nhiều nước nhằm làm chậm quá trình chuyển hóa rượu. Bạn cũng nên xác định tửu lượng của bản thân. Nói lắp hoặc mất sự linh hoạt là dấu hiệu cảnh báo bạn nên chậm lại.

    Thục Linh (Theo Washington Post)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Rượu bia ảnh hưởng thế nào đến não người say

Share This Page