Trước nỗi lo khan hiếm các mặt hàng y tế, người dân Trung Quốc đổ xô tìm mua thuốc, máy đo nồng độ oxy máu và máy tạo oxy trên mạng xã hội. Lần đầu tiên Huang Lipeng biết tới máy đo nồng độ oxy máu SpO2 là trên mạng xã hội. Kỹ sư công nghệ thông tin, 30 tuổi, đến từ Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, đã nhanh tay sắm một chiếc cho gia đình sau khi xem video nói rằng người bệnh tiểu đường nên đặc biệt chú ý đến nồng độ oxy trong máu. Anh có người cha 60 tuổi mắc tiểu đường nặng, mẹ phải phẫu thuật ung thư tử cung. Giá của chiếc máy tăng vọt lên 1.580 nhân dân tệ (227 USD) chỉ một tuần sau đó và nhanh chóng hết hàng. Kể từ khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Không Covid", số ca nhiễm tăng nhanh chóng. Các bệnh viện và nguồn lực y tế quá tải, nhiều người tích trữ thiết bị xét nghiệm tại nhà, mua thuốc qua chợ đen, thậm chí uống kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Các loại thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer và Azvudine của Công ty Công nghệ Sinh học Trung Quốc đã trở thành mặt hàng nóng trên mạng xã hội, được nhiều người dân "lùng sục". Nhiều người thậm chí còn tìm kiếm thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ. Một số bác sĩ tại các bệnh viện Trung Quốc nói với Financial Times, tờ báo có trụ sở tại London, Anh, rằng nhiều người có điều kiện đã tích trữ Paxlovid để tặng người nhà hoặc bạn bè, khiến nhu cầu về thuốc này tăng vọt. Nhân viên y tế mặc bộ bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, ngày 27/12. Ảnh: China Daily Lo sợ mình sẽ bị viêm phổi, một số bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng dai dẳng thậm chí tự điều trị khi phải xếp hàng hàng giờ ở phòng khám. "Tôi đã tự dùng azithromycin (một loại kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) trong ba ngày sau một tuần bị ho. Rất có thể bác sĩ cũng sẽ chỉ kê azithromycin trị viêm phổi nếu tôi đến bệnh viện, vì vậy tôi bắt đầu tự điều trị", Yu Qian, 42 tuổi, sống tại Bắc Kinh, cho biết. Người dân cũng lo ngại về các tình trạng như "thiếu oxy thầm lặng" (mức oxy thấp nhưng ít biểu hiện ra ngoài) ở bệnh nhân cao tuổi. Những người như Huang phải mua thiết bị theo dõi và chuẩn bị hỗ trợ oxy cho người cao tuổi tại nhà. Tuần trước, Fan Deng, cựu phát thanh viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), chia sẻ về việc cha anh không có biểu hiện khó thở rõ ràng. Tuy nhiên trên thực tế, mức bão hòa oxy của ông thấp đến nguy hiểm. Cuộc kiểm tra sau đó phát hiện vấn đề, ông được đưa đến bệnh viện và qua đời vài ngày sau đó. Nhà dịch tễ học Thượng Hải Zhang Wenhong cho biết người cao tuổi có xu hướng không nhận thức được các triệu chứng thiếu oxy, vì họ không cảm thấy tức ngực hoặc khó thở. Huang Wenxiang, Trưởng khoa Lão khoa tại một bệnh viện Trùng Khánh, giải thích những bệnh nhân "thiếu oxy thầm lặng" chiếm khoảng 5% các trường hợp mắc Covid-19 nặng, có thể tiến triển nhanh chóng thành suy hô hấp cấp tính đe dọa tính mạng. "Nên theo dõi chặt chẽ độ oxy máu của người cao tuổi sau nhiễm nCoV bằng máy đo nồng độ oxy", ông phát biểu với hãng truyền thông Trùng Khánh, ngày 26/12. Máy kiểm tra nồng độ oxy máu. Ảnh: Forbes Hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước về cách điều trị Covid-19 tại nhà cũng chỉ đạo chính quyền địa phương đảm bảo đủ nguồn cung về máy đo oxy. Tuy nhiên, mối lo tăng lên đột ngột của người dân vẫn gây sức ép lên thị trường, dẫn đến doanh thu các thiết bị này trên nền tảng thương mại điện tử tăng vọt. Dữ liệu từ nền tảng phân tích thương mại điện tử Whale Staff cho thấy doanh số bán hàng của các nhãn hiệu máy đo nồng độ oxy khác nhau đã tăng gấp đôi từ tháng 11 đến tháng 12. Nhiều người chờ đợi hàng tuần để nhận được thiết bị y tế. Tại Quảng Châu, một chủ nhà hàng đã mua một máy tạo oxy vào tháng 4, sau đó bán lại cho người hàng xóm "đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng" với giá gốc. Yuyue, một công ty thiết bị y tế có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, cho biết họ đã bán được hơn 200.000 máy tạo oxy và 20.000 máy đo oxy trong tháng này trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao. Thục Linh (Theo SCMP, Financial Times) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress