MỹCông ty Outpost Technologies gần đây thử nghiệm một loại dù lượn ở tầng bình lưu để đưa vệ tinh về Trái Đất cho NASA và nhiều công ty khác vào cuối thập niên 2020. Outpost Technologies thử nghiệm tàu lượn ở tầng bình lưu. Ảnh: Outpost Technologies Thả rơi ở độ cao hàng chục kilomet ở tầng bình lưu, tàu lượn hạ cánh an toàn trên mặt đất, đánh dấu cột mốc quan trọng nhằm loại bỏ rác vũ trụ, Space hôm 27/12 đưa tin. Thử nghiệm độ cao lớn của Outpost Technologies hướng tới mục tiêu đưa phần cứng đã qua sử dụng trở lại Trái Đất để tái sử dụng hoặc kiểm tra. Phần cứng đó có thể là vệ tinh sắp cạn nhiên liệu hoặc thí nghiệm khoa học trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các vệ tinh hoạt động ngày càng nhiều ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, làm tăng rác vũ trụ đe dọa cơ sở hạ tầng dùng cho dự báo thời tiết và viễn thông. Trong khi đó, trạm ISS trở nên chật chội do thí nghiệm và thiết bị cũ tích tụ trong hai thập kỷ đến mức không còn chỗ để chứa dụng cụ mới. Theo Jason Dunn, giám đốc điều hành Outpost Technologies, NASA đã ký hợp đồng giai đoạn đầu với công ty vào đầu tháng 12 để thiết kế một phương tiện nhằm vận chuyển trang thiết bị cũ trên trạm ISS về Trái Đất. Ông cam kết phương tiện sẽ sẵn sàng trước khi trạm ISS ngừng hoạt động vào năm 2030, mang về những thí nghiệm nhỏ thường được hoàn thành trong vòng vài tuần sau khi tới trạm. Hàng hóa lớn hơn có thể được vận chuyển bằng tàu chở hàng thông thường như Dragon của SpaceX. Ngoài ra, Outpost Technologies cũng lên kế hoạch tiếp cận vệ tinh trên quỹ đạo bằng phương tiện nhỏ, sau đó kéo chúng qua khí quyển bằng tàu lượn ở tốc độ cận âm, cho phép hạ cánh nguyên vẹn trên Trái Đất mà phần cứng không bị bốc cháy trong khí quyển. Công ty sẽ chở vệ tinh lên quỹ đạo để triển khai, sau đó thu gom vệ tinh cũ ở cùng quỹ đạo để đưa về Trái Đất. Ý tưởng của Outpost Technologies đang trong giai đoạn thiết kế và thử nghiệm ban đầu. Công ty đã kêu gọi được 7 triệu USD vào mùa hè năm ngoái. Do trạm vũ trụ mới sẽ thay thế ISS vào thập niên 2030, công ty có thể góp phần đáp ứng nhu cầu chở hàng của các cơ quan và công ty tư nhân. An Khang (Theo Space) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress