Giới chuyên gia y tế có nhiều ý kiến trái chiều khi Trung Quốc không đưa số ca dương tính với nCoV nhưng không bộc lộ triệu chứng vào báo cáo. Bác sĩ ở Vũ Hán điều trị cho một bệnh nhân. Ảnh: Guardian. Các nhà nghiên cứu tỏ ra lo ngại khi báo cáo chính thức về số ca nhiễm nCoV của Trung Quốc không bao gồm bệnh nhân dương tính với virus nhưng không bộc lộ triệu chứng. Theo họ, cách tính này có thể không phản ánh đúng quy mô thực sự của dịch bệnh. Nhưng các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng Trung Quốc đúng khi ưu tiên theo dõi bệnh nhân lây lan dịch bệnh. Từ thời gian đầu bùng phát dịch, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã cập nhật số ca nhiễm bệnh và tử vong theo ngày. Cộng đồng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm trên thế giới cũng dựa vào dữ liệu đó để lập mô hình mức độ lây lan và nghiêm trọng của dịch bệnh. Đầu tháng 2, nhà chức trách tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc thông báo họ đã rút 13 người dương tính với virus khi xét nghiệm nhưng không bộc lộ triệu chứng ra khỏi danh sách xác nhận số ca nhiễm bệnh của tỉnh. Chính quyền địa phương cho biết họ tuân theo hướng dẫn về báo cáo số ca lây nhiễm của Ủy ban Y tế Quốc gia, trong đó những bệnh nhân như trên được phân loại là "ca dương tính" thay vì "ca đã xác nhận". Chỉ các ca đã xác nhận được đưa vào báo cáo chính thức hàng ngày của Ủy ban Y tế Quốc gia. Tình hình ở Hắc Long Giang gây chú ý về hướng dẫn báo cáo dịch bệnh của Trung Quốc. Trước đó, bản hướng dẫn thu hút sự quan tâm khi được cập nhật vào ngày 7/2 để cho phép các bác sĩ xác nhận bệnh nhân nhiễm nCoV bằng phim chụp cắt lớp lồng ngực thay vì mất nhiều ngày chờ kết quả xét nghiệm. Thay đổi trong tiêu chí chẩn đoán khiến số ca nhiễm bệnh ở tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc tăng gần 15.000 ca chỉ trong một ngày vào tuần trước. Nhà dịch tễ học Wu Zunyou, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ở Bắc Kinh, người tham gia ban hành hướng dẫn, cho biết họ luôn yêu cầu không quy những ca dương tính là ca đã xác nhận. Thay vào đó, người dương tính với nCoV được cách ly 14 ngày và theo dõi bởi nhân viên y tế. Nếu bộc lộ triệu chứng trong thời gian cách ly, họ sẽ được xếp loại là ca đã xác nhận. Theo Wu, xét nghiệm dương tính chưa chắc có nghĩa một người nhiễm virus. Xét nghiệm thường giúp phát hiện vật liệu di truyền từ virus qua dụng cụ lấy dịch nhầy ở mũi hoặc họng. Nhưng ở một số người, virus có thể chưa xâm nhập vào tế bào và bắt đầu nhân lên. Nhà chức trách vẫn chưa rõ liệu có tồn tại người dương tính với virus nhưng không thực sự mắc bệnh. Wu cho rằng đó là một trong những câu hỏi khoa học lớn cần giải đáp. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm trên thế giới không đồng tình với cách tính trên. Virus luôn cần nhân lên bên trong vật chủ trước khi đạt tới mức có thể phát hiện, theo Angela Rasmussen, nhà vi trùng học ở Đại học Columbia tại New York. "Nếu virus ở trong mũi người nhưng không lây nhiễm sang bất kỳ tế bào nào, tôi nghĩ chúng ta sẽ không thể phát hiện virus trên dụng cụ lấy dịch nhầy từ mũi", Rasmussen cho biết. Ian Mackay, nhà vi trùng học ở Đại học Queensland tại Brisbane, Australia, cho rằng việc bỏ các trường hợp dương tính không bộc lộ triệu chứng trong báo cáo chính thức có thể gây hiểu lầm cho những quốc gia khác trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc không tính các ca không bộc lộ triệu chứng cũng cản trở nỗ lực lập mô hình nCoV để tìm hiểu mức độ lây lan, theo Michael Mina, nhà miễn dịch học bệnh truyền nhiễm và chuyên gia dịch tễ Trường Y tế Cộng đồng T. H. Chan thuộc Đại học Harvard tại Boston, Massachusetts. Các nhà dịch tễ đang cố gắng xâu chuỗi dây chuyền lây nhiễm và họ có thể tính cả những người nhiễm bệnh không bộc lộ triệu chứng. Mina và nhiều nhà nghiên cứu khác hoài nghi số ca nhiễm bệnh thực tế cao hơn con số trong báo cáo, phần lớn có thể không bộc lộ triệu chứng và sẽ cho kết quả dương tính nếu xét nghiệm. Tarik Jašarević, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ, cho biết từ góc độ y tế cộng đồng, Trung Quốc có lý khi tập trung ghi nhận số bệnh nhân có triệu chứng bởi dường như họ là những người lan truyền virus sang người khác. Theo Mina, Trung Quốc có thể ưu tiên chăm sóc người ốm và duy trì cách ly thay vì đo đếm quy mô dịch bệnh. Từ góc độ lâm sàng, việc loại trừ bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng cũng hợp lý bởi nếu một người không có triệu chứng, họ không cần chăm sóc y tế, Mina nói. An Khang (Theo Nature) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress