Nhóm nghiên cứu Viện Hóa sinh biển phân lập thành công hai thành phần trong rễ cây bá bệnh, có tác dụng kháng viêm, chống tăng sinh trên tế bào khối u. Rễ cây bá bệnh chứa thành phần kháng viêm và chống tăng sinh ở tế bào khối u. Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng thuộc Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu phân lập thành công hoạt chất quassinoid và alkaloid trong rễ bá bệnh. Đây là lần đầu tiên hợp chất alkaloid 3 và 4 được phân lập từ rễ cây bá bệnh tự nhiên ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế SAGE Journal. Cây bá bệnh là một loại dược liệu có vị đắng, tính ấm ở Việt Nam, trồng chủ yếu ở miền Trung, được biết đến với tác dụng tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên tác dụng chống viêm cũng như ức chế tế bào khối u của loài cây này chưa được biết đến nhiều. Nhóm đã thu thập rễ cây bá bệnh ở Nghệ An, sau đó xác định các hợp chất bằng cách ngâm chiết với MeOH (metanol) ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ, tiếp tục phân lập các hợp chất bằng kỹ thuật sắc ký cột. Kết quả cho thấy rễ cây bá bệnh có thành phần hóa học phong phú với 19 hợp chất từ rễ cây. Đặc biệt 6 hợp chất quassinoid và 10 hợp chất alcaloid đóng vai trò sinh học chủ yếu của cây. Quassinoid là hợp chất có tác dụng ức chế viêm, chống virus, ký sinh trùng sốt rét. Hợp chất alcaloid chống viêm in vitro (trong phòng thí nghiệm) và in vivo (trong thực tế đời sống). Thử nghiệm trên các đích sinh học phân tử, hai hợp chất có khả năng ức chế hiệu quả biểu hiện hai enzyme iNOS và COX-2 liên quan đến quá trình viêm ở nồng độ thử nghiệm từ 50-150 µg/mL. "Hiện nay một số thuốc kháng viêm giảm đau là loại thuốc thuộc dòng nacotics, steroid, nếu sử dụng lâu đều gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Trong khi hai hợp chất chống viêm trong cây bá bệnh có chiết xuất từ tự nhiên nên không có tác dụng phụ", TS Đăng nói. Ông cho biết, ngoài hoạt tính kháng viêm, nhóm còn phát hiện hai hợp chất này đều có tác dụng chống tăng sinh trên các loại tế bào khối u khác nhau trên cơ thế người, có tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư. Kết quả thử nghiệm được thể hiện qua hoạt động ức chế sản sinh NO trên dòng tế bào đại thực bào ở chuột bị gây viêm bởi ccarragenan ở nồng độ 250 mg/kg thể trọng với nồng độ ức chế tối đa một nửa là 28,18 µg/mL. Hiện nhóm đang đi sâu nghiên cứu hiệu quả của quassinoid và alkaloid trong quá trình ức chế các tế bào trong khối u cũng như phương pháp chiết xuất và tinh chế toàn phần hợp chất, sau đó sẽ kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất các dược liệu hỗ trợ điều trị. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress