Vĩnh PhúcKhám cho bệnh nhân nCoV cách ly ở phòng khám đa khoa Quang Hà, nhìn vẻ mặt căng thẳng của chị, bác sĩ Vịnh cười trấn an "yên tâm, sẽ khỏi bệnh". Trong trang phục bảo hộ, bác sĩ Vịnh đặt ống nghe kiểm tra phổi bệnh nhân, vừa nói: "Chị không có bệnh mạn tính và có sức đề kháng tốt nên cứ yên tâm điều trị rồi sẽ khỏi bệnh". Ra khỏi phòng cách ly, sau khi hoàn tất quy trình khử trùng cho bản thân, bác sĩ Vịnh miêu tả lại cảnh vừa diễn ra khi khám cho bệnh nhân, nói rằng đây là công việc thường ngày của y bác sĩ những ngày qua. Các bác sĩ ở vùng dịch Vĩnh Phúc đang phải đóng vai trò vừa chữa bệnh vừa làm công tác tư vấn tâm lý cho bệnh nhân corona. Dịch bệnh corona quá mới, số người nhiễm, người tử vong ở Trung Quốc cao trong khi thông tin về virus chưa đầy đủ nên các bệnh nhân rất bất an. Vì vậy ngoài điều trị sức khỏe thể chất, các bác sĩ kiêm cả vai trò tư vấn tâm lý, trấn an để người bệnh yên tâm. "Các bệnh nhân rất căng thẳng vì không hiểu virus đến từ đâu và tại sao mình bị nhiễm, rồi có ảnh hưởng tính mạng không, nên rất sợ", bác sĩ Vịnh nói. Bác sĩ Trần Quang Vịnh, 46 tuổi, là trưởng Khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Anh được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa Quang Hà ở huyện Bình Xuyên từ ngày 7/2, khi nơi đây phát hiện 5 bệnh nhân nhiễm virus corona và trở thành nơi điều trị cách ly người nhiễm. Từ ngày ấy đến nay, bác sĩ Vĩnh chưa rời phòng khám phút nào. Bình Xuyên nửa tháng qua cũng trở thành tâm dịch Covid-19 của cả nước. "Là bác sĩ, tôi hiểu tình hình thực tế của dịch bệnh Covid-19 nên không cảm thấy lo lắng hay ngại ngần khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nCoV", bác sĩ Vịnh cho biết. Công tác điều trị bệnh nhân của nhóm bác sĩ ở Vĩnh Phúc khá thuận lợi do các trường hợp đều mắc bệnh nhẹ nên có thể tự chăm sóc cho bản thân. Nhóm bác sĩ và điều dưỡng khoảng 24 người chia nhau hàng ngày khám và đảm bảo sinh hoạt cho các bệnh nhân khi bị cách ly tuyệt đối với bên ngoài. Họ thường xuyên phải làm việc 24/24h. Bên cạnh việc điều trị cho các bệnh nhân, một yêu cầu khó khác là các y bác sĩ phải chú ý kiểm soát nhiễm khuẩn, không để nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo nCoV. Đến nay là 12 ngày bác sĩ Vịnh gắn bó với các bệnh nhân và chứng kiến nỗi sợ dịch bệnh của mọi người. Bốn bệnh nhân lần lượt khỏi bệnh ra viện, một bệnh nhân còn lại ổn định sức khỏe, là niềm vui không chỉ với người bệnh mà cả đội ngũ y bác sĩ chăm sóc họ thời gian qua. Vui hơn nữa là không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo virus. Bác sĩ Trần Quang Vịnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, chiều 18/2. Ảnh: Chi Lê. Tất bật chăm sóc cho các bệnh nhân xong, bác sĩ Vịnh mới có thời gian chú ý tới bản thân. "Đã 18 ngày tôi không được gặp vợ con", bác sĩ Vịnh nhớ lại. Vợ anh là giáo viên tại Hà Nội. Sau nhiều năm vất vả, vợ chồng anh mua được hai ngôi nhà, một ở Vĩnh Phúc, một ở Hà Nội, làm nơi cư ngụ cho cả nhà để thuận tiện cho công việc. Cũng vì công việc, gia đình bác sĩ Vịnh phải chia hai. Anh làm việc ở bệnh viện Vĩnh Phúc, trong khi vợ con sống và công tác, học hành ở Hà Nội. Bác sĩ Vịnh bắt đầu tham gia chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên từ ngày 30/1, tức mùng 6 Tết, và cũng cách ly mình với gia đình từ đó. "Đến nay gia đình tôi vẫn ở Hà Nội, chỉ có một mình tôi ở Vĩnh Phúc. Như vậy cả nhà tôi đã được cách ly tuyệt đối và vẫn an toàn, khỏe mạnh. Nhưng đôi lúc tôi rất nhớ họ", bác sĩ Vịnh nói. Điều khiến bác sĩ cảm thấy buồn lòng là vợ con bị một số người xung quanh kỳ thị. "Mọi người đều tỏ ra ngại ngần với vợ tôi khi biết tôi tham gia chống dịch tại Vĩnh Phúc. Gia đình cũng không muốn tôi phải đi làm ở vùng dịch nhưng là một bác sĩ, tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân", bác sĩ Vịnh chia sẻ. Bác sĩ cũng nói, là một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm, anh tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc về bảo hộ y tế, sử dụng các thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân. "Giữ cho mình khỏe mạnh là giúp cộng đồng tránh xa dịch bệnh", bác sĩ Vịnh luôn tâm niệm như vậy. Theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân dương tính với nCoV và cách ly 41 người nghi nhiễm. Có 4 bệnh nhân đã xét nghiệm 2 lần âm tính với nCoV, trong đó 2 bệnh nhân được ra viện ngày 18/2, 2 bệnh nhân khác dự kiến ra viện ngày 20/2. Số người nghi nhiễm phải cách ly tại phòng khám cũng không tăng thêm. Thành quả này khiến bác sĩ Vịnh cùng nhóm cộng sự của mình đang chiến đấu ở phòng khám giải tỏa những áp lực vô hình đang đè nặng lên đôi vai họ bấy lâu. "Chúng tôi vững tin hơn khi tiếp tục điều trị cho một bệnh nhân còn lại ở phòng khám", bác sĩ Vịnh nói. Đây cũng là bệnh nhân cuối cùng ở Việt Nam dương tính nCoV, tính đến ngày 19/2. Chi Lê Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress