Hong KongMột tay cầm gậy, tay kia vươn ra để tìm đường, Jess Shek Kinh-chong lo lắng sẽ nhiễm virus corona khi đi lại hàng ngày. Jess bị mù bẩm sinh. Cô không biết bàn tay hoặc đầu gậy dò đường của mình sẽ chạm vào đâu ở những nơi công cộng. Ngoài khẩu trang y tế, cô đeo một đôi găng tay phẫu thuật nhằm tự bảo vệ mình trước nguy cơ nhiễm nCoV. Cô vẫn phải tháo găng khi bấm nút thang máy, để chạm vào các vân nổi dành cho người khiếm thị. Jess Shek là một người khiếm thị sống tại Hong Kong. Ảnh: SCMP Jess thường xuyên sử dụng nước rửa tay khô. Cô cũng khử trùng gậy dò đường sau mỗi lần ra ngoài. Song tình trạng thiếu hụt sản phẩm vệ sinh của toàn thành phố khiến cô gặp nhiều khó khăn. Cô không đủ sức tranh giành các mặt hàng khan hiếm trong đám đông hỗn loạn. Trong khi đó, đối với người khiếm thị, mua bán online chẳng dễ dàng. "Tôi lo lắng khi tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cuộc sống thường ngày của chúng tôi dựa vào việc chạm nắm, gây ra nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn. Nhưng chúng tôi chẳng mua được nước khử trùng", cô nói. 578.000 người khuyết tật tại Hong Kong đang sợ hãi và thất vọng vì thiếu sự hỗ trợ. Những người sống dựa vào các dịch vụ cộng đồng như Jess Shek phải vật lộn để mua nhu yếu phẩm hoặc tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh có tính truyền nhiễm cao, đặc biệt là khi 70% trong số họ ở độ tuổi trên 60. Derek Ko Chi-kin năm nay 62 tuổi, là một huấn luyện viên. Anh phải cắt bỏ cánh tay phải trong một tai nạn khi mới 12 tuổi. Anh không thể vệ sinh tay trái kỹ lưỡng và cảm thấy việc đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến nghị của chuyên gia là điều khó khăn. Song Derek vẫn cố gắng hết sức để tự bảo vệ bản thân. Derek Ko Chi-kin bị mất một cánh tay trong tai nạn năm 12 tuổi. Ảnh: SCMP Anh sử dụng khẩu trang rất tiết kiệm, một chiếc đeo tới ba, bốn ngày đến nỗi nó trở nên ẩm ướt. Anh chia sẻ nước rửa tay và găng tay với những người khác. "Chúng tôi không có đặc quyền, cũng chẳng được ưu tiên. Chúng tôi giúp đỡ nhau để cùng vượt qua giai đoạn này", anh nói. Các tổ chức phi chính phủ và nhà hoạt động xã hội đã kêu gọi sự hỗ trợ đối với những người khuyết tật, giúp bảo vệ họ khỏi các thương tổn về mặt thể chất và tinh thần trong thời điểm khủng hoảng này. Kim Mok Kim-wing, giám đốc điều hành của Mạng lưới Hỗ trợ Xã hội Hong Kong, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết khoảng 300 thành viên tại đây phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang, nước khử trùng và giấy vệ sinh. Một người đàn ông khiếm thị 56 tuổi, thành viên của tổ chức chia sẻ: "Khi cả thành phố đều hoảng loạn, người khuyết tật càng khổ sở và bực dọc". Theo bà Peggy Ko Pik-kei, Chủ tịch Hội người mù Hong Kong, thành phố có khoảng 174.800 người khiếm thị. Đây là những người dễ nhiễm virus hơn cả bởi họ thường phải dùng tay để phát hiện chướng ngại vật trước mặt. Họ cũng gặp khó khăn trong việc truy cập và nắm bắt thông tin qua các nền tảng truyền thông xã hội. Bà Ko cho biết Hội đã nhận được lời cầu cứu từ hơn 300 thành viên, phần lớn là người già neo đơn. "Vì thiếu nguồn cung nhu yếu phẩm, nhiều người tránh ra ngoài. Song một số vẫn phải đi làm hoặc đến bệnh viện thường xuyên. Tình hình thật thê thảm", bà nói. Trong khi đó, Winnie Wong, Chủ tịch Hội Khiếm thính cho biết người điếc chủ yếu giao tiếp với người khác thông qua khẩu hình miệng và đọc nét mặt. Điều này trở nên khó khăn sau khi dịch bệnh quét qua và ai ai cũng đeo khẩu trang gần như cả ngày. Bà kêu gọi chính quyền sản xuất thêm các bản tin bằng ngôn ngữ ký hiệu, với video hướng dẫn cụ thể. Những người khiếm thị dễ bị lây nhiễm virus corona. Ảnh: SCMP Nhiều tổ chức phi chính phủ đã cố gắng hỗ trợ người khuyết tật, tuy nhiên họ thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và nguồn kinh phí. Shirley Tsang, thành viên của Hội người mù Hong Kong cho biết, lượng khẩu trang dự trữ tại đây chỉ đủ dùng cho tới đầu tháng Ba. Để giảm bớt phần nào gánh nặng, Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, đại diện cho 450 tổ chức đã tài trợ khoảng 500.000 chiếc khẩu trang cho các thành viên. "Rất khó để tìm nguồn cung. Chúng tôi phải vận động ở các quốc gia cùng nhiều kênh truyền thông khác nhau, tuy nhiên nhiều sản phẩm quá đắt hoặc kém chất lượng", người đại diện cơ quan này cho biết. Bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến nay đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính tới ngày 19/2, có 2.012 người chết và hơn 75.000 ca dương tính với nCoV. Covid-19 hiện chưa có phương pháp điều trị chính thức, song nhiều nước đang ráo riết chạy đua để tìm ra vaccine và thử nghiệm các loại thuốc sẵn có. Mới đây, Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cho phép dùng thuốc Favilavir để chữa bệnh viêm phổi. Đây là loại thuốc điều trị virus corona đầu tiên được nước này cho phép bán ra thị trường kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Thục Linh (Theo SCMP) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress