Bị ức chế cảm xúc, tư duy, vận động, người bệnh sẽ xuất hiện cơn xung động trầm cảm, có thể tự sát trong chớp nhoáng hoặc giết người thân. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, cho biết trầm cảm là một bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần. Bệnh thường đặc trưng ở 3 mặt: cảm xúc bị ức chế, tư duy bị ức chế, vận động bị ức chế. Người có cảm xúc bị ức chế thường rơi vào trạng thái như buồn rầu, ủ rũ, mất mọi quan tâm thích thú cũ, nhìn xung quanh thấy ảm đạm, bi quan về tương lai, sự nghiệp. Nỗi buồn thường kèm theo hiện tượng mất cảm giác tâm thần, không còn yêu, ghét, buồn, giận như trước. Trong tư duy, người bệnh suy nghĩ chậm chạp, quá trình liên tưởng khó khăn, ý tưởng nghèo nàn, khó tập trung, giảm chú ý, thường cảm thấy xấu hổ, bất hạnh, cảm thấy tự ti, mất tin tưởng vào bản thân. Thường, bệnh nhân nói chậm, nói nhỏ, nói thì thào hoặc nói từng tiếng một. Đôi khi không nói một phần hay không nói hoàn toàn. Trường hợp nặng có hoang tưởng bị tội hay tự buộc tội, tự cho mình có phẩm chất xấu, phạm nhiều tội lỗi, gây tai họa cho gia đình rồi xuất hiện ý tưởng tự sát. Người có ý tưởng tự sát dễ dẫn đến nguy cơ cao có hành vi tự sát. Bên cạnh đó, người trầm cảm còn giảm hoạt động do bị ức chế. Họ có thể ngồi im lặng hàng giờ, khom lưng, cúi đầu, hay nằm nép vào một góc giường, trùm chăn, nằm ngồi một chỗ, không muốn tham gia vào bất kể công việc gì, kể cả chăm sóc cá nhân, ăn uống ít. Trường hợp nặng có thể suốt ngày ngồi im trong một tư thế, mặt đau khổ, nước mắt lưng tròng không ăn, không tiếp xúc, có thể bất động, từ chối ăn uống dẫn tới suy kiệt nặng nề. Trên nền tảng ức chế toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần, người bệnh có thể đột nhiên xuất hiện một cơn buồn sâu sắc, thất vọng nặng nề, gọi là cơn xung động trầm cảm dẫn đến la thét, thổn thức, cảm xúc lẫn lộn.... Trong cơn xung động này, họ có thể tự sát trong chớp nhoáng hay giết người thân rồi tự sát. Cơn xung động thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng. Do đó, người nhà cần phải thường xuyên cảnh giác với những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm hoặc đã được chẩn đoán trầm cảm. Người mắc trầm cảm dễ bị ức chế, buồn rầu, ủ rũ, mất mọi quan tâm thích thú cũ, nhìn xung quanh thấy ảm đạm, bi quan về tương lai, về tiền đồ. Ảnh: CDC "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm", bác sĩ nhấn mạnh. Với nguyên nhân thực tổn: Bệnh có thể thứ phát sau một bệnh lý thực tổn do tổn thương não, chấn thương, lạm dụng rượu, nghiện ma túy, hay do các bệnh cơ thể ngoài não như bệnh nội tiết (Basedow, đái đường tuýp 2, thiếu vitamin B12...). Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân Alzheimer là 15-40%, khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ có dấu hiệu trầm cảm. Hơn nữa, bệnh lý cơ thể là một yếu tố nguy cơ làm giảm đáp ứng và dung nạp thuốc chống trầm cảm trong quá trình điều trị. Một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm như thuốc chống tăng huyết áp, chất ức chế receptor H2, thuốc tránh thai, thuốc corticoid... Nguyên nhân nội sinh: Cho tới nay trầm cảm nội sinh vẫn dựa vào giả thuyết đa yếu tố. Các giả thuyết sinh học căn cứ vào gen di truyền, thay đổi monoamine trong não, rối loạn thần kinh nội tiết, tổn thương giải phẫu thần kinh và sinh lý thần kinh. Gene di truyền dưới tác động của môi trường thuận lợi có thể gây ra trầm cảm. Nếu một người cha hoặc mẹ mắc bệnh thì 25% con cái có nguy cơ mắc bệnh. Nếu cả hai bố mẹ cùng mắc bệnh thì 50-75% con bị bệnh. Đối với các cặp sinh đôi cùng trứng thì tỷ lệ rối loạn trầm cảm là 50%, ở các cặp sinh đôi khác trứng là 10-25%. Đặc biệt, trầm cảm còn do căn nguyên tâm lý bởi đây là một đáp ứng cảm xúc tự nhiên và bình thường của con người trước những mất mát to lớn, tuyệt vọng hay những mối nguy hiểm đe dọa. Trong đó, các sang chấn tâm lý là yếu tố khêu gợi trạng thái trầm cảm phản ứng cũng có thể là yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn. Trầm cảm được xem là bệnh lý khi các biểu hiện trầm cảm nặng hoặc kéo dài không tương xứng với tác nhân kích thích Đối với phụ nữ, ngoài yếu tố thay đổi hormone thì các stress từ môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh trầm cảm, nhất là phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2 lần so với chưa mãn kinh. Ngoài ra, những người có đặc điểm nhân cách nhất định như lo âu, phụ thuộc, ám ảnh thì dễ bị trầm cảm. Ngược lại trầm cảm cũng có thể phát sinh và ảnh hưởng tới bất kỳ loại nhân cách nào. Để điều trị bệnh, bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi phù hợp. Khi có dấu hiệu trầm cảm cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn kịp thời, làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng đồng thời phòng ngừa tái phát. Nên duy trì có lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục, yoga... hoặc đi du lịch, dã ngoại cùng gia đình, bạn bè để giải tỏa căng thẳng. Sống cởi mở với mọi người xung quanh, đồng thời cân bằng công việc, quản lý thời gian. Cải thiện chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường bổ sung vitamin, tăng chức năng hệ miễn dịch cơ thể phòng ngừa bệnh tật. Thùy An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress