Hai phương án Bộ Y tế đề xuất trong dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia, khi trình Quốc hội không được hơn 50% đại biểu tán thành. Bộ Y tế chủ trì quá trình xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, tiến hành suốt 10 năm kể từ lúc đưa ra dự thảo, trưng cầu ý kiến, trình duyệt... Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực ngày 1/1/2020, trong đó quy định hiện được nhiều người quan tâm nhất là Cấm uống rượu bia khi lái xe. Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực cũng từ 1/1/2020, người lái xe kể cả ôtô, xe máy, xe đạp, sẽ bị xử phạt nếu nồng độ cồn trong máu vượt 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Mức phạt này cao gấp 2 lần trước đây. Nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao quy định nồng độ cồn trong máu người lái xe bằng 0 mà không cho phép % cao hơn; hoặc uống hoa quả lên men có được cho là tăng độ cồn trong máu... Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: "Đây là cảnh báo nguy cơ mạnh nhất để răn đe việc "đã uống rượu bia là không lái xe"". Theo bà Trang, trước khi trình dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia ra Quốc hội, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bên liên quan và thống nhất đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Cụ thể là nồng độ cồn không quá 30 mg/100 ml máu, hoặc không quá 0,15 mg/lít khí thở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án này. Kết quả, các phương án này đều không đạt được hơn 50% đại biểu Quốc hội tán thành. Khi ấy Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là cần thiết. Do đó Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trước đề nghị này, 77,2% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành quy định "đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông", trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ngày 14/6/2019. Luật Giao thông đường bộ sau đó được sửa theo hướng "đã uống rượu bia thì không được lái xe". Cụ thể, khoản 8 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ trước đó nghiêm cấm "điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", riêng người điều khiển xe máy chỉ cấm khi "trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở". Để đồng bộ với luật chống tác hại rượu bia, điều khoản này được sửa theo hướng nghiêm cấm người "điều khiển ôtô, môtô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Tức nồng độ cồn trong máu người lái xe bằng 0. Kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Ngọc Thành). Theo bà Trang, 10 năm nay, Luật giao thông đường bộ đã quy định không có nồng độ cồn trong máu và khí thở mới được phép lái xe, người dân không phản ứng gì. Nay, Luật mới bổ sung thêm xe máy và mức phạt mới nên có nhiều ý kiến. Tuy vậy, bà Trang cho rằng: "Mức phạt mới chưa phải là cao, nhiều nước còn phạt tù người vi phạm dù không gây hậu quả nghiêm trọng". Nhật Bản phạt 5.000-10.000 USD, Anh và Singapore khoảng 4.000 USD (khoảng 1-2 tháng lương). Người vi phạm còn chịu phạt tù 3-6 tháng như ở Anh, Singapore, tù 3 năm ở Nhật, Hàn Quốc, kèm theo tước bằng, chịu lao động công ích và học lại luật, thi lại bằng. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao gấp nhiều lần. Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội mới chia sẻ với PV rằng ông tâm đắc nhất quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe". Đây là thông điệp quyết liệt, được lấy ý kiến nhiều lần. Mức phạt mới là giải pháp đánh vào kinh tế, giúp người dân thay đổi dần nhận thức, hành vi. Theo ông Phong, cấm lái xe khi đã uống rượu bia sẽ làm nhu cầu rượu bia giảm, từ đó giảm nguồn cung, khắc phục được những hậu quả do rượu bia gây ra. Thực tế, 7 ngày đầu kể từ khi luật có hiệu lực, số bệnh nhân vào các bệnh viện tại Hà Nội cấp cứu do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm mạnh, thậm chí giảm đến 50% ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng rượu bia tăng nhanh. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%. Việc sử dụng rượu bia có hại cho sức khỏe, gây ra nhiều loại bệnh tật. Đặc biệt, tình trạng tai nạn giao thông do rượu bia khá cao. Vì vậy cần phải có các biện pháp mạnh mẽ để giảm các tỷ lệ này. "Không có ngưỡng an toàn nào cho rượu bia. Mục đích lớn nhất của Luật là nâng cao nhận thức và ý thức sử dụng rượu bia an toàn, hạn chế tác hại của rượu bia với sức khỏe, trật tự và an toàn xã hội trong đó có an toàn giao thông", bà Trang nói. Theo bà Trang, tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống thì hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Và tuyệt đối không uống rượu bia trước khi lái xe. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV