Lan 32 tuổi, đeo khẩu trang kín mặt, sốt ruột chờ khám. Thi thoảng, cô nhăn mặt vì đau do vùng đầu mũi đang bị mưng mủ, nhiễm trùng. Gần Tết, Lan tích lũy được khoản tiền nên đi cấy chỉ nâng mũi tại một spa ở Hà Nội. Vài ngày sau, vùng mũi sưng tấy đỏ, mưng mủ, chảy dịch và nhiễm trùng, cô đến bệnh viện điều trị. Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang Hà Nội, người trực tiếp thăm khám cho Lan, cho biết nâng mũi không phẫu thuật có thể tiêm filler giá từ 7 đến 9 triệu 1 cc hoặc cấy chỉ mũi 15-20 triệu đồng. Chi phí tại bệnh viện công thường ổn định, không tăng nhiều so với các năm. Tuy nhiên, dịch vụ này ở các spa giá rất rẻ, chỉ khoảng 800-2 triệu đồng cho 1cc vì filler không nguồn gốc, không đảm bảo. Thông thường, nâng mũi bằng cấy chỉ thẩm mỹ có ưu điểm như thời gian hồi phục nhanh. Muốn cấy chỉ vào mũi phải gây tê, bác sĩ phải dùng kim ấn vào sóng mũi để đưa các sợi chỉ vào. Phương pháp này có xâm lấn vào da thịt nên phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện. "Trong trường hợp của Lan, nguyên nhân nhiễm trùng có thể do thao tác của người làm không chuẩn, đồ dùng không vô trùng. Chúng tôi phải phẫu thuật để lấy hết chỉ trong mũi và điều trị trong khoảng một tuần là ổn định", bác sĩ nói. Mỗi ngày, bác sĩ Duy phải thực hiện từ 4 đến 6 ca, bao gồm cả ca phẫu thuật và can thiệp không phẫu thuật. Song, dịp giáp Tết, bác sĩ phải làm việc với cường độ cao từ 8 đến 10 ca. Các dịch vụ ưa chuộng là can thiệp không phẫu thuật như tiêm filler, xóa nhăn, trẻ hóa da, căng da, để đẹp nhanh, không cần thời gian nghỉ dưỡng, không cần ăn kiêng. Bác sĩ cũng phải tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật hỏng do thẩm mỹ chui tại các cơ sở, spa nhỏ lẻ. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, khoa Thẩm Mỹ tạo hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng tất bật hơn những ngày cuối năm. Theo bác sĩ, cách Tết khoảng một tháng vẫn đủ thời gian để lành thương và vùng mổ thẩm mỹ khá ổn định. Một số người đặt lịch phẫu thuật gần sát Tết để tận dụng kỳ nghỉ dài nhất trong năm hoặc Việt kiều về quê chơi Tết kết hợp làm đẹp. Bác sĩ Duy đang thực hiện thủ thuật thẩm mỹ mũi cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp Theo bác sĩ Duy, tai biến phẫu thuật thẩm mỹ thường xảy ra song nhỏ lẻ nên không bị phát hiện. Tâm lý người dùng lại ham rẻ và hứng thú với những chiêu trò quảng cáo nhiều ưu đãi, sale cuối năm, giảm giá "tụt sàn" hay trả góp. Bên cạnh đó, các cơ sở làm đẹp thường sử dụng chất làm đầy không đạt chất lượng, dưới cái tên hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Người thực hiện phẫu thuật thao tác chưa thành thạo, kỹ thuật tiêm không đúng dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm khuẩn huyết và tắc mạch tại chỗ dẫn đến hoại tử, thậm chí tắc mạch võng mạc gây mù và tắc mạch não gây đột quỵ. Năm 2019, Việt Nam đã xảy ra nhiều tai biến phẫu thuật thẩm mỹ. Tai nạn thường đến từ sốc thuốc tê, thuốc mê, hoặc đơn giản do kỹ thuật tiêm filler kém dẫn đến hóa chất chạy vào mạch, chèn ép gây hỏng mắt, hoại tử mũi. Nhiều ca tai biến khác xảy ra khi phẫu thuật nâng ngực, xăm chân mày, gây mê sửa mũi gây ngưng tim, biến chứng, thậm chí tử vong. Các chuyên gia thẩm mỹ đánh giá, hiện nay nhiều người suy nghĩ thoáng hơn về "vẻ đẹp nhân tạo" song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người có nhu cầu thẩm mỹ cần lựa chọn bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ khám, tư vấn và chỉ định. Kiểm tra sức khỏe trước khi thực hiện để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của ca phẫu thuật. "Tuyệt đối không ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ để tránh tiền mất, tật mang", bác sĩ Dung khuyến cáo. Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress