Từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo điều 5, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện... hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô... đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường. Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam trong 100 mililít máu hoặc 0,25 miligam trong một lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn. Việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia cũng bị cấm. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, học sinh, sinh viên... không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Các doanh nghiệp, cá nhân không được cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe. Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Bá Đô. Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị để xây dựng luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo các chuyên gia, đây là một trong những luật khó thực hiện vì có tính xung đột lợi ích giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó triển khai do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua. Sau 5 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%. Vì vậy để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai hết sức quan trọng. Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông. Mục đích là giảm tính sẵn có của rượu bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia. Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress