TanzaniaFausta, con tê giác cái 57 tuổi tại khu bảo tồn Ngorongoro hôm 27/12 đã chết do già yếu, các nhà chức trách cho biết. Tê giác Fausta tại khu bảo tồn Ngorongoro. Ảnh: Fox News. Trước khi được chuyển tới khu bảo tồn Ngorongoro để chăm sóc đặc biệt vào ba năm trước, Fausta đã có 54 năm sống trong môi trường tự nhiên ở Tanzania. Ở tuổi 57, nó được ghi nhận là cá thể tê giác già nhất thế giới. Con vật được phát hiện lần đầu tiên bởi một nhà khoa học vào năm 1965 khi mới 3 hoặc 4 năm tuổi. Sức khỏe của nó bắt đầu xấu đi kể từ năm 2016 do những vết thương nghiêm trọng gây ra bởi các cuộc tấn công của linh cẩu. "Fausta bị mất thị lực và khó có thể tiếp tục sinh tồn ngoài tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi buộc phải đưa con vật vào tình trạng nuôi nhốt. Nó đã sống 57 năm mà chưa một lần mang thai", các quan chức của khu bảo tồn Ngorongoro cho biết. Tê giác thường chỉ sống được khoảng 37 - 43 năm trong môi trường hoang dã. Fausta là tê giác đen Đông Phi, loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Quần thể loài đã giảm tới 98% trong giai đoạn 1960 - 1995, xuống chỉ còn dưới 2.500 cá thể, nhưng nhờ nỗ lực của các nhà bảo tồn, số lượng hiện đã tăng gấp đôi, lên gần 5.500 con. Đoàn Dương (Theo Fox News) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress