Nghiên cứu cho thấy chuột lemming cổ đại bị gãy xương đùi, nhiều khả năng chết do ngã từ trên cao. Xác chuột lemming được tìm thấy dưới tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia. (Ảnh: Metro). Viện Khoa học Nga công bố ảnh chụp và kết quả nghiên cứu xác chuột lemming cổ xưa nhất thế giới, Metro hôm 28/12 đưa tin. Vài năm trước, khi đang đi bộ cùng mẹ, học sinh Angelina Sadovnikova tình cờ phát hiện nó dưới vách đá ven sông Tirekhtyakh, Siberia. Sau đó, xác chuột được giao cho hai giáo sư sinh học Nikita Solomonov và Vyacheslav Rozhnov để nghiên cứu. Chuột lemming bị gãy xương đùi và nhiều khả năng chết do rơi xuống từ trên cao. Nhờ phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon, các nhà khoa học xác định con vật tồn tại cách đây hơn 41.300 năm. Nó dài 16,5 cm, lớn hơn một chút so với chuột lemming nâu Siberia ngày nay. Dưới tầng đất đóng băng vĩnh cửu, xác chuột lemming được bảo quản tốt qua hàng chục nghìn năm. Nó vẫn còn lông ở lưng, bụng và hai bên, chỉ trụi lông trên đầu. Các phân tích với tia X cho thấy toàn bộ xương, bao gồm xương sọ, đều được lưu giữ rất tốt. Tuy nhiên, các cơ quan nội tạng đã phân hủy hết. Việc tìm thấy xác chuột lemming gần sông Tirekhtyakh vô cùng quan trọng trong quá trình tìm hiểu sự tiến hóa của nhóm thú này ở Bắc Cực. Ngoài chuột lemming, các nhà khoa học từng tìm được xác voi ma mút, tê giác, sói và sư tử còn khá nguyên vẹn ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu thuộc Siberia. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV