Hóa thạch thằn lằn nguyên thủy cuộn đuôi quanh con non là ví dụ đầu tiên về hành vi chăm con trong thế giới động vật. Hóa thạch lưu giữ xác thằn lằn mẹ và con non. (Ảnh: Independent). Mẫu hóa thạch 309 triệu năm tuổi bao gồm xác thằn lằn non nằm ngửa bụng cạnh chân sau của thằn lằn mẹ. Phát hiện này chứng tỏ hành vi chăm con sau sinh xuất hiện sớm hơn khoảng 40 triệu năm so với suy đoán trước đây. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution. Thằn lằn mẹ và con non chết đột ngột bên một gốc cây trong khu rừng ở Nova Scotia, Canada. Tại đây, thằn lằn mẹ đào hang để nuôi con. Loài vật được đặt tên là Dendromania unamakiensis, ghép từ chữ "cây" và "mẹ chăm con" trong tiếng Hy Lạp. D. unamakiensis thuộc nhóm varanopid, có họ hàng với tổ tiên sớm nhất của động vật có vú. Hình dáng phục dựng của thằn lằn D. unamakiensis. (Ảnh: Independent). "D. unamakiensis có hình dáng giống thằn lằn. Tình trạng bảo quản của hai cá thể, bao gồm cấu trúc xương nhỏ nâng đỡ các cơ bụng, cho thấy chúng bị chôn vùi nhanh chóng và không kịp di chuyển. Nói cách khác, chúng cùng chết ở nơi tìm thấy hóa thạch mà chưa rõ nguyên nhân", tiến sĩ Hillary Maddin ở Đại học Carleton, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Theo tiến sĩ Maddin, con non nằm dưới chi sau và được bao quanh bởi đuôi của thằn lằn mẹ, đây là tư thế thường gặp ở động vật đào hang. Điều này giúp củng cố giả thuyết chúng sống trong một chiếc hang bao trùm bởi hệ rễ của gốc cây. Thằn lằn mẹ dài khoảng 20cm tính từ mũi tới gốc đuôi, ăn côn trùng và các động vật có xương sống nhỏ khác. Nhóm nghiên cứu cho biết theo dõi quá trình tiến hóa của hành vi chăm con sau sinh thường rất khó bởi hiếm khi họ tìm thấy hóa thạch của cá thể bố mẹ và con non ở cùng một chỗ. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV