Đam mê bầu trời về đêm, Nguyễn Trần Hạ (Hà Nội) và Doãn Tuấn Dương (Hưng Yên) xây đài thiên văn nghiệp dư, bị không ít người coi là "gàn dở". Trong sự kiện "Ngày hội vũ trụ" với chủ đề về nhiếp ảnh thiên văn vừa tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 11, đôi bạn Hạ (sinh năm 1989 ở Hà Nội) và Dương (sinh năm 1987 ở Hưng Yên) được mời đến với vai trò chuyên gia, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm trong sử dụng thiết bị chụp ảnh bầu trời và xử lý ảnh thiên văn. Là dân chơi ảnh thiên văn nghiệp dư nhưng hai anh được cộng đồng quốc tế biết đến, trong đó nhiều tác phẩm được trang web chuyên về thiên văn Astrobin lựa chọn là Top Pick. Doãn Tuấn Dương (trái) và Nguyễn Trần Hạ. Ảnh: HM Dương cho biết, để chụp được một đối tượng trong vũ trụ cách xa chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, ngoài thiết bị đòi hỏi người chụp có kiến thức về thiên văn và phải kiên trì. Chụp ảnh bầu trời cũng phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thời tiết khi về đêm. Có những đối tượng phải theo mất hàng tháng trời vì thời tiết không ủng hộ, và đôi khi kết quả chụp ra cũng không được như ý. Với tác phẩm Tinh vân Hoa Hồng (hay còn gọi là Rosette nebula) được anh chụp từ đài thiên văn trên nóc nhà riêng ở Hưng Yên vào đầu tháng 12/2019, phải mất 4 đêm với tổng thời gian phơi sáng khoảng gần 23 giờ để thu ảnh. Tinh vân Hoa Hồng có kích thước khoảng 65 năm ánh sáng và cách chúng ta 4.500 năm ánh sáng về phía chòm sao Kỳ Lân. Tinh vân Hoa Hồng (hay còn gọi là Rosette nebula) chụp từ đài thiên văn của Doãn Tuấn Dương vào đầu tháng 12/2019. Hay như tác phẩm Thiên hà Tiên Nữ (còn gọi là thiên hà Andromeda) do Hạ thực hiện vào mùa thu năm 2018 tại đài thiên văn được anh thiết kế ở nhà riêng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng được thu trong 5 đêm với tổng thời gian phơi sáng khoảng gần 21 giờ. Thiên hà Tiên Nữ là một thiên hà xoắn ốc nằm cách chúng ta khoảng 2,5 triệu năm ánh sáng. Thiên hà Tiên Nữ (hay còn gọi là thiên hà Andromeda) chụp từ đài thiên văn của Nguyễn Trần Hạ vào mùa thu năm 2018 Cũng vì đối tượng chụp đặc biệt lý giải cho việc Dương và Hạ tự đầu tư đài thiên văn dù tính ra không hề tương đương với thu nhập hiện có. Cộng sơ sơ từ việc đầu tư kính thiên văn, các loại kính lọc dải hẹp (narrowband) và kính lọc chống ô nhiễm ánh sáng (light pollution filter) và xây dựng đài quan sát... ngốn ngót nghét tỉ đồng. "Nhiều người vẫn bảo chúng tôi là "gàn dở"", Hạ nói và cho biết, ban đầu anh không được gia đình ủng hộ vì thấy thú chơi này quá tốn kém và hại sức khỏe do thức đêm nhiều. Ban đầu, hai anh em chỉ dành số tiền khoảng vài chục triệu đồng cho dàn kính và thiết bị liên quan. Sau đó, nhu cầu ghi hình những đối tượng mờ và xa hơn đã khiến tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều. Hiện Dương và Hạ, mỗi người sở hữu một đài thiên văn hoàn chỉnh trên nóc nhà riêng. "Mình dành ra khoảng 600-700 triệu đồng để xây dựng đài quan sát thiên văn. Nhiều thiết bị được nhập khẩu từ Nhật và Mỹ với giá thành rất cao", Hạ nói. Kết quả là bao nhiêu lương đi làm được gom góp đổ hết vào mua thiết bị và còn xin thêm bố mẹ, vay mượn bạn bè. Đài quan sát ở Nam Từ Liêm do Hạ xây dựng. Trong xử lý một bức ảnh thiên văn, điều đầu tiên cần có là tính thẩm mỹ, dựa trên những nguyên tắc khoa học và tiêu chuẩn chung là các thuật toán được thế giới công nhận chứ không phải dùng phần mềm tô vẽ thêm vào bức ảnh. Ngoài ra, hướng ống kính về phía đối tượng mình quan tâm cũng cần có lượng kiến thức nhất định về bầu trời. Để làm được, đôi bạn đã tham gia vào các diễn đàn quốc tế, lục tung các trang mạng tìm kiếm thông tin để nghiên cứu. Hàng nghìn trang tài liệu bằng tiếng Anh được nghiền ngẫm và chia sẻ lẫn nhau để cùng tìm ra cách lắp đặt và làm chủ thiết bị, rồi tìm phương pháp chụp các tinh vân, cụm sao, thiên hà sao cho đẹp, phù hợp khoa học... Tuy chưa đạt được mức nghiên cứu khoa học phức tạp nhưng cả Hạ và Dương đều cho rằng, nhiếp ảnh thiên văn không chỉ là một "thú chơi", mà có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của thiên văn nghiệp dư tại Việt Nam. Các bức ảnh thu được đều phản ánh chính xác đặc tính của thiên thể trên bầu trời. Nhiều dữ liệu thô được thu thông qua các kính lọc nguyên tố để thấy được trong tinh vân hay thiên hà đó có những thành phần hoá học phổ biến như thế nào. "Trên thực tế, các nghiên cứu thiên văn chính thống cũng dựa vào giới nghiệp dư, đặc biệt ở các nước phương Tây. Giới nghiệp dư cũng đóng góp nhiều phát hiện về siêu sao mới trong các thiên hà xa xôi hay các sao chổi, tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời... Hay việc phân loại lượng dữ liệu khổng lồ từ các kính thiên văn trên khắp thế giới cũng được chia sẻ rất nhiều cho dân nghiệp dư, để tận dụng thời gian cũng như công sức dồi dào của toàn bộ mọi người trong lĩnh vực này", Dương cho biết. Hạ và Dương hiện nay được giới chơi ảnh thiên văn nghiệp dư trong và ngoài nước biết đến với nhiều tác phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi Nhiếp ảnh thiên văn Việt Nam 2016 và trên diễn đàn ảnh thiên văn Astrobin. "Giải thưởng chỉ là một phần động viên nhưng quan trọng thế giới biết đến Việt Nam, có những người nghiệp dư chụp được ảnh vũ trụ. Đây là điều đáng tự hào", Hạ nói. Có lẽ cũng vì nhiếp ảnh thiên văn khá tốn kém và đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu về nhiếp ảnh, quan sát bầu trời và cơ khí nên số người chơi ở Việt Nam vẫn còn hiếm. Hạ và Dương mong muốn truyền nhiệt huyết của mình tới những người yêu thiên văn để cộng đồng chụp ảnh thiên văn đông hơn, cùng nhau chia sẻ dữ liệu, kiến thức về vũ trụ. Dương cũng hy vọng trong tương lai những bức ảnh của mình sẽ có giá trị khoa học nhiều hơn khi mà các vật thể mình chụp sẽ khó hơn, ở các vùng trời ít được khám phá. Dù chưa mang lại thu nhập từ thú chơi này, nhưng "nhìn những thành quả mà chúng tôi đạt được, gia đình và mọi người đã dần ủng hộ và có cái nhìn thiện cảm hơn rất nhiều về nhiếp ảnh thiên văn. Bạn bè cũng sẵn sàng giúp đỡ về tiền bạc khi chúng tôi cần", Hạ nói và cho biết, về lâu dài hướng đến mục tiêu xây dựng một số đài quan sát lớn hơn tại những khu vực có không khí trong lành, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng. Đây sẽ là sân chơi chung cho giới nghiệp dư tại Việt Nam, góp phần truyền bá tình yêu thiên văn tới các bạn trẻ. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress