AnhHana Awwad 39 tuổi, không dám chạm vào chồng, không để ai chạm vào mình vì quá ám ảnh sạch sẽ, ra ở riêng sau 7 tháng đám cưới. Hana lớn lên tại thành phố Liverpool, tới Mỹ sống cùng chồng sau đám cưới cách đây ba năm. Không lâu sau, cô bắt đầu sợ chạm vào mọi vật, từ con người, động vật, đồ vật, sợ người khác chạm vào mình. Cô vứt hết quần áo sau khi mặc, tắm rửa kỹ càng mỗi ngày, chuyển ra khách sạn ở riêng vì ám ảnh sẽ "làm bẩn căn hộ của mình". Hana và chồng. Ảnh: Daily Mirror Khi căn bệnh ngày một trầm trọng, bố mẹ đẻ sống tại Anh bay qua New York đưa cô về Anh chăm sóc. Cô chỉ cầm theo hộ chiếu và điện thoại về nhà, đồ đạc khác đều đã vứt hết. Cô được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bắt đầu dùng thuốc và trị liệu theo nhóm. Căn bệnh khiến cô trở nên quá cầu toàn về sự sạch sẽ, tự "quan trọng hóa trách nhiệm", ít quan tâm tới bản thân mà luôn lo ngại vô tình làm đau người khác. Cô không dám ra ngoài, hay tiếp xúc với bất kỳ ai, chỉ theo dõi gia đình, bạn bè qua màn hình điện thoại và những đoạn video ghi lại. Thậm chí phải tới viện điều trị cũng là một khó khăn rất lớn với cô. Hàng ngày, Hana chỉ dám ra lấy đồ ăn bố mẹ đặt trước cửa phòng khi họ đã lên xe về. Khi chồng cô từ Mỹ tới Liverpool thăm, cô không cho chồng vào cùng phòng. "Dù rất muốn, tôi không dám gặp anh ấy", Hana nói. "Tôi sợ sẽ làm chồng mình 'bẩn' nếu ở cùng phòng". Những bất tiện này khiến cả hai rơi vào bế tắc, sống ly thân kể từ khi cô về Anh. "Đây là quãng thời gian tồi tệ nhất cuộc đời tôi. Tôi ao ước được sống như trước đây", Hana nghẹn ngào. Hana dần kiểm soát được bệnh kể từ khi mở công ty chăm sóc thú cưng. Ảnh: Daily Mirror Một ngày, khi đang vẽ logo cho một công ty trong phòng ngủ, cô nảy ra ý định tự mở công ty chăm sóc động vật. "Ban đầu, tôi không biết sẽ vận hành công ty như thế nào với căn bệnh của mình". Đầu tháng 12, cô bỏ hết quần áo cũ, mất ba tiếng chuẩn bị trang phục, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chuẩn bị đón vị khách đầu tiên. Lấy can đảm bắt tay, Hana mời khách vào nhà, vuốt ve chú mèo khách đưa, chuyên nghiệp như không bị bệnh. Cô dần quen hơn với những lần tiếp khách sau đó, công việc cũng thuận lợi hơn. "Tôi nghĩ nếu đã có thể gặp khách hàng, tôi cũng có thể về nhà ôm mẹ. Dù rất khó khăn, nhưng tôi đã làm được điều đó", Hana xúc động. Cô học được cách kiểm soát bệnh và tiếp tục sống. "Tôi là một ví dụ chứng minh căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể kiểm soát", cô nói. Lê Hằng (Theo Mirror) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress