Thác nước rộng nhất thế giới ở phía nam châu Phi gần như chỉ còn trơ lại bờ đá vào mùa khô do hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ. Trận hạn hán khiến thác Victoria nằm giữa Zimbabwe và Zambia, nơi sông Zambezi đổ xuống mặt đất từ độ cao hơn 100 m, chảy nhỏ giọt, gây lo ngại có thể phá hủy một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất trong vùng. Dù thác Victoria thường chảy chậm hơn vào mùa khô, năm nay các nhà chức trách cho biết lượng nước sụt giảm ở mức độ chưa từng thấy. Thác Victoria khi lượng nước dồi dào. Ảnh: AccuWeather. Khu vực phía nam châu Phi đang hứng chịu ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu với các vòi nước cạn kiệt và khoảng 45 triệu người cần viện trợ lương thực do mất mùa. Zimbabwe và Zambia cũng bị mất điện do phụ thuộc nhiều vào thủy điện từ các nhà máy ở đập Kariba trên sông Zambezi, nằm phía thượng nguồn thác nước. Tổng thống Zambia Edgar Lungu nhấn mạnh "đây là hình ảnh khắc nghiệt nhắc nhở chúng ta về những gì biến đổi khí hậu gây ra đối với môi trường". Nhiều đoạn của kỳ quan tự nhiên dài gần một kilomet chỉ còn trơ lại bờ đá. Những nơi khác lượng nước chảy qua thác rất thấp. Dữ liệu từ Cơ quan sông Zambezi cho thấy lượng nước ở mức thấp nhất từ năm 1995 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Thác Victoria chịu ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: Guardian. Tuy nhiên, các nhà khoa học tỏ ra thận trọng khi đổ lỗi nguyên nhân cho biến đổi khí hậu bởi lượng nước luôn biến động theo mùa. Harald Kling, nhà Thủy văn ở công ty kỹ thuật Poyry, chuyên gia về sông Zambezi, cho biết "đôi khi rất khó khẳng định đây là kết quả từ biến đổi khí hậu bởi các đợt hạn hán luôn xảy ra. Nếu hạn hán trở nên thường xuyên hơn, lúc đó bạn có thể bắt đầu nói như vậy". Theo Kling, mô hình khí tượng dự đoán những năm hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn ở lưu vực Zambezi. Khi dòng sông trở nên nóng hơn, 437 m3 nước bốc hơi mỗi giây. Richard Beilfuss, giám đốc tổ chức International Crane Foundation, người nghiên cứu sông Zambezi suốt ba thập kỷ qua, suy đoán biến đổi khí hậu khiến mùa mưa đến muộn hơn. An Khang (Theo Guardian) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress