iPhone, sản phẩm mang về hơn 50% doanh thu cho Apple, đang trở nên khó cạnh tranh hơn trên thị trường, kể cả khi đã giảm giá. Tháng 9, Tim Cook lên sân khấu sự kiện để nói về chiếc iPhone mới nhất - iPhone 11. Tuy nhiên, việc người hâm mộ chú ý không phải là camera ba ống kính hay các tính năng mới, mà là mức giá. Lần đầu tiên, Apple trình làng iPhone mới với mức giá không đổi so với năm trước, thậm chí mẫu iPhone 11 còn thấp hơn 50 USD so với iPhone XR ra mắt 2018. Theo Forbes, việc Apple giảm giá iPhone đang cho thấy sự "tuyệt vọng" của hãng trong việc bán điện thoại. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho sự kết thúc của tham vọng thống trị thị trường điện thoại mà doanh nghiệp Mỹ hướng tới. Apple là một công ty điện thoại Khi thành lập, Apple được hướng theo con đường trở thành một công ty máy tính và quả thực hãng có nhiều năm thống trị thị trường này. Nhưng kể từ khi giới thiệu iPhone đời đầu (2007) đến nay, hãng đã bán hơn 2,2 tỷ smartphone với doanh số hơn 1.000 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ nhà sản xuất điện thoại nào khác trong lịch sử. Nhờ vậy, cổ phiếu của hãng cũng tăng 2.037%, trở thành doanh nghiệp giao dịch công khai lớn nhất thế giới. Giá cổ phiếu Apple đã tăng tới 2.037% sau 12 năm. Không chỉ là sản phẩm bán chạy nhất, iPhone cũng mang đến lợi nhuận cao nhất cho Apple. Theo thống kê, công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) đã kiếm được khoảng 1.990 tỷ USD từ tất cả các sản phẩm mà mình kinh doanh giai đoạn 2007 - 2019, trong đó, hơn một nửa đến từ iPhone. Bên cạnh đó, iPhone cũng mang đến lợi nhuận khổng lồ. Phonearena ước tính, với mỗi USD đầu tư cho iPhone, Apple kiếm được 0,6 - 0,7 USD, cao hơn rất nhiều so với thiết bị thứ hai là MacBook Air chỉ 0,29 USD. Nói cách khác, nếu không có iPhone, Apple sẽ không có ngày hôm nay. Thay vào đó, rất có thể hãng chỉ trở thành một công ty máy tính tầm thường. Doanh số iPhone không còn tăng trưởng Trong nhiều năm, doanh thu iPhone tăng trưởng theo cấp số nhân và đạt đỉnh vào 2015. Nhưng kể từ đó, biểu đồ không còn đi lên nữa. Công ty vẫn bán được hàng chục triệu điện thoại mỗi năm, nhưng nếu so với năm cao nhất, con số chênh lệch vẫn lên đến hàng triệu, thậm chí doanh số 2018 thấp hơn 14 triệu máy so với 2015. Doanh số iPhone đạt đỉnh năm 2015. iPhone đời đầu thu hút người dùng nhờ thiết kế và tính năng đột phá. Vòng đời đó lặp lại khoảng hai năm một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây, công ty đã không có nhiều thay đổi gây chú ý và điều đó khiến sức hút đối với thiết bị giảm dần. Thực tế, lúc này iPhone 11 hoàn toàn lép vế nếu so sánh về thiết kế, cấu hình, tính năng, camera... với những smartphone Android cùng phân khúc khác đến từ Samsung, Huawei, Oppo. Có chăng, nền tảng iOS chính là điểm nhấn để "cứu vớt" chiếc điện thoại của Apple, nhưng nó cũng dính rất nhiều lỗi và phải liên tục cập nhật bản vá. Apple dường như cũng biết trước khó khăn đang đến với iPhone và tìm cách kéo dài vòng đời của thiết bị. Từ iPhone X, công ty đã chọn giải pháp tăng giá sản phẩm để bù đắp vào doanh số bán hàng thấp, giữ doanh thu không bị giảm. iPhone 4 ra mắt 2010 có giá 599 USD, nhưng bảy năm sau, người dùng phải bỏ 849 USD cho iPhone 8 và 1.149 USD cho iPhone X, dù những nâng cấp chưa hẳn phù hợp với cụm từ "đột phá". Chi phí linh kiện Apple bỏ ra để sản xuất iPhone tăng mạnh kể từ iPhone 8. Tuy nhiên, một phần của việc tăng giá là do Apple bỏ nhiều tiền hơn cho sản xuất iPhone. Ngoại trừ một số thiết bị, hầu hết chi phí sản xuất iPhone tăng theo từng năm. Chẳng hạn, iPhone 2G mất hơn 200 USD cho toàn bộ linh kiện, nhưng iPhone XS gấp đôi với 400 USD. iPhone 2019 có 'tính năng' mới: giá thấp hơn Tháng 9 năm ngoái, Apple ra iPhone XR - một phiên bản "hạ cấp" của iPhone X với thiết kế tương tự, công nghệ màn hình cũ và giá cả phải chăng hơn. Máy có giá 749 USD, thấp hơn 35% so với 1.145 USD của iPhone X. Một số chuyên gia cho rằng, về cơ bản iPhone XR là cái cớ để công ty Mỹ thúc đẩy mua sắm, qua đó muốn doanh số bán hàng trở lại đúng hướng. Năm nay, Apple tiếp tục xu hướng trên khi iPhone 11 - phiên bản kế nhiệm iPhone XR - chỉ còn 699 USD - mức giá chưa từng thấy trên iPhone kể từ năm 2017. Apple được cho là đang chuyển hướng sang phần mềm và dịch vụ khi doanh số iPhone không còn tăng trưởng. Ảnh: Bloomberg. "Apple đã làm điều đó như là phương sách cuối cùng nhằm thúc đẩy nhu cầu mua hàng mờ nhạt. Nhưng khi làm như vậy, Apple đang cho thấy việc kinh doanh iPhone béo bở dần kết thúc", cây bút Stephen McBride của Forbes nhận định. Thực tế, nhận xét của McBride không phải là không có căn cứ. Báo cáo tài chính của Apple gần đây cho thấy, doanh thu iPhone đang giảm dần. Theo Gartner, công ty Mỹ đã bán 40,8 triệu iPhone trong quý III/2019, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với việc mất đi khoảng 20 tỷ USD. Gần đây, Apple dường như cũng nhận thấy việc kinh doanh iPhone đang đi xuống, khi không còn đưa ra số liệu thống kê doanh số bán hàng - yếu tố mà hãng từng rất tự hào trước đây. Bên cạnh đó, "Quả táo" hướng tới các mảng kinh doanh mới về phần mềm và dịch vụ như là cách để chuẩn bị cho một tương lai không iPhone. Bảo Lâm (theo Forbes) Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ