Nhiệt độ trung bình toàn cầu được ghi nhận đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019, Liên Hợp Quốc hôm 3/12 cho biết. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), 40 năm qua luôn ghi nhận mức nhiệt trung bình của thập kỷ sau cao hơn thập kỷ trước. Kể từ đầu năm nay, nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến 2019 thành năm nóng thứ ba từng được ghi chép lại trong lịch sử. Khí thải nhà kính do con người tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp và vận tải hàng hóa là một trong những nguyên chính gây ra sự nóng lên toàn cầu. Khí thải từ một nhà máy thép ở thành phố An Dương, Trung Quốc. Ảnh: ABS-CBN News. Đại dương, nơi hấp thụ 90% nhiệt lượng dư thừa do khí nhà kính tạo ra, đang không ngừng ấm lên và hiện có mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1950. Ước tính 329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua, đẩy mực nước biển dâng cao chưa từng thấy. Chưa dừng lại ở đó, nồng độ axit trong các đại dương cũng được ghi nhận cao hơn 25% so với 150 năm trước, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên Trái Đất sống phụ thuộc vào nó. Đến cuối năm nay, số người phải sơ tán do thời tiết cực đoan trên thế giới có thể tăng lên 22 triệu người. "Sóng nhiệt và lũ lụt đã xuất hiện thường xuyên hơn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trái Đất sẽ ngừng nóng lên", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. Nếu không có hành động cụ thể, nhiệt độ toàn cầu có thể nóng hơn 3°C vào cuối thế kỷ 21. Đoàn Dương (Theo AFP) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress