Nhiều người trong xóm hôm 2/12 thấy anh đèo đứa con trai lớp 9 đi học, ngỡ ngàng nhìn theo rồi hỏi vợ Khương: "Đã đi lại được rồi à?". Vợ anh mỉm cười: "Anh ấy còn tự bơm nước rửa sân, tưới rau, chăm cây cối nữa đấy". Những công việc này với người khác không thể bình thường hơn, nhưng với anh Khương thì đó là một sự hồi sinh bởi 10 năm anh gần như nằm liệt giường, "đăng ký hộ khẩu" thường xuyên ở bệnh viện với máy thở do bệnh giãn phế quản giai đoạn cuối. Anh hầu như không tự sinh hoạt được mà phải nhờ vợ con chăm sóc, đến nỗi tự miêu tả mình là "đặt đâu nằm đấy". Cuộc sống thực sự chỉ trở lại với anh Khương mới hai tháng nay, kể từ ca phẫu thuật ghép phổi ngày 12/8. Anh Khương là bệnh nhân thứ hai được ghép phổi với ca mổ do bác sĩ Việt Nam thực hiện và là người đầu tiên xuất viện. Đưa con đến trường xong, Khương trở lại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tái khám. Những lần trước tới viện anh phải ngồi xe lăn cần người đẩy đi. Giờ đây Khương một mình đi bộ giữa các phòng khám trong viện. "Sau ghép phổi, tôi nghĩ đến khi ra viện có lẽ sức khỏe sẽ trở lại 2 phần so với bình thường, không ngờ giờ đã khỏe đến 10 phần", anh Khương nói. Hiện anh có thể tự thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày. Khi thay đổi thời tiết, anh vẫn còn đau tê ở vết mổ ghép phổi trên ngực trái, song không thấm tháp gì so với nỗi đau bệnh tật trước kia phải chịu đựng. "Sự hồi phục của anh Khương thật sự là một điều kỳ diệu đối với chính bản thân anh, gia đình và các y bác sĩ", tiến sĩ Phạm Tiến Quân, Quyền Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nói. Kết quả tái khám, nội soi lần này cho thấy phổi ghép của anh Khương rất tốt. Anh chỉ cần tiếp tục duy trì uống thuốc theo đơn và khám định kỳ. Anh Khương khi tái khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày 2/12. Ảnh: Thảo My. Người hiến phổi cho anh Khương là Nguyễn Hồng Dương, 20 tuổi, ở Hải Dương. Dương là con trai độc nhất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sang. Tối 10/8, Dương gặp tai nạn giao thông, chết não. Gia đình hiến tặng toàn bộ mô, tạng của Dương gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân, cứu sống ít nhất 5 người xa lạ. Vì nghĩa cử hiến tạng con này mà ông Sang phải chịu của người làng là đã bán tạng con. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó và phức tạp nhất với quy trình gồm hàng trăm bước. Sau ghép phổi, việc chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn như kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Hai lá phổi mới đã thích nghi trong cơ thể Khương, mang đến cho anh một cuộc đời mới. Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress