New Zealand, nơi có ngành chăn nuôi bò và cừu phát triển, trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chỉnh sửa gene gia súc để hạn chế khả năng phát thải khí nhà kính của chúng. Theo Guardian, đây là một phần trong những nỗ lực của chính phủ để giảm phát thải khí nhà kính, ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cứ mỗi một người New Zealand thì lại có 6 con cừu, và ngành chăn nuôi tạo ra khoảng một phần ba lượng phát thải khí nhà kính của cả nước, trong khi chỉ đóng góp 5% GDP. Khí methane thải ra từ hoạt động tiêu hoá của gia súc như bò và cừu chiếm một lượng lớn khí thải nhà kính toàn cầu, bên cạnh khí thải từ các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Đây là nhân tố chủ chốt gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính, khiến bầu khí quyển của Trái Đất nóng hơn vì các lớp khí này tạo thành 1 lớp chắn không cho nhiệt lượng từ Mặt Trời thoát đi. Bầu khí quyển nóng lên sẽ dẫn đến băng ở hai cực tan, nước biển dâng, đe doạ xoá sổ các vùng đất ven biển. Băng tan cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các dòng hải lưu lớn trên đại dương, dẫn tới sự thay đổi của các hình thái thời tiết. Cơ quan quản lý ngành chăn nuôi nước này là Beef and Lamb New Zealand đã áp dụng một biện pháp được gọi là "nhân giống theo giá trị" để giúp các nông dân lai tạo những giống cừu có đặc điểm mà họ muốn. Trong vòng 2 năm tới, các nhà cung cấp con giống sẽ có thể lựa chọn các con cừu non có lượng phát thải khí methane thấp hơn bình thường. "Các nông dân có vẻ hào hứng về chuyện này hơn là tôi tưởng tượng", ông Russell Proffit, một chuyên gia nhân giống, chia sẻ. Gia đình ông đã làm việc trong ngành cung cấp con giống 40 năm qua. "Tôi thực hiện phương pháp giảm khí methane vì tôi tin rằng một con vật khoẻ mạnh, hoạt động tốt sẽ tạo ra ít khí methane hơn, và tôi muốn kiểm chứng điều đó", ông Proffit nói. Theo số liệu năm 2016, New Zealand có 27,5 triệu con cừu, nhiều gấp 6 lần dân số nước này. (Ảnh: Guardian). "Tôi không chắc liệu điều đó có đúng không, nhưng dù sao thì việc nhân giống để cho chúng thải ra ít khí methane hơn cũng bổ sung vào những đặc điểm mà chúng tôi đang tìm kiếm trong đàn của mình. Đó là những con cừu khoẻ mạnh hơn, ít gây tác hại đến môi trường hơn", chuyên gia này cho biết. Nhà cung cấp giống muốn phát triển những con cừu ít phát thải methane sẽ cần phải đo lượng khí thải này của một đàn cừu trong phòng kín. Đàn cừu sẽ ở đó trong 50 phút, và cứ 14 ngày sẽ phải đo một lần. Dữ liệu từ hoạt động này sẽ được sử dụng song song với các thông tin về gen để tính toán qua đó xác định một "giá trị methane của giống". Các nông dân muốn tham gia chương trình sẽ có thể nhận những con cừu ít phát thải trong vòng 2 năm tới. Hiệp hội nghiên cứu khí nhà kính, cơ quan được tài trợ bởi ngành nông nghiệp và chính phủ New Zealand, cho biết dự án lần này dựa trên khái niệm tận dụng sự thay đổi về mức độ phát thải khí methane và nghiên cứu cho thấy sự thay đổi này được truyền lại cho các thế hệ cừu tiếp theo. Tổng giám đốc hiệp hội, ông Mark Aspin cho biết đây là lần đầu tiên một dự án như vậy với vật nuôi được thực hiện. Ra mắt chương trình giá trị methane sẽ mang lại cho ngành chăn nuôi cừu New Zealand một công cụ thiết thực để giúp giảm khí thải nhà kính trong hoạt động nông nghiệp. Điều này rất có ý nghĩa vì cho đến nay, phương pháp duy nhất mà các nông dân có thể thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính là liên tục cải thiện hiệu quả canh tác. Dưới thời Thủ tướng Jacinda Arden, chính phủ cấp tiến của New Zealand đã thực hiện một loạt những biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, trái ngược với những gì diễn ra ở nước láng giềng Australia. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV