Trung Quốc và Hà Lan hợp tác vận hành đài thiên văn vô tuyến ở vệ tinh bay trên vùng tối Mặt Trăng nhằm thu tín hiệu sau vụ nổ Big Bang. Ăng-ten của đài quan sát được triển khai. Ảnh: Science Alert. Thiết bị Thám hiểm Tần số thấp Hà Lan - Trung Quốc (NCLE) bắt đầu vận hành sau một năm quay quanh Mặt Trăng. Thiết bị này nằm trên vệ tinh liên lạc Ô Thước, bao gồm ba ăng-ten đơn cực dài 5 m rất nhạy với tần số vô tuyến trong dải 80 kHz - 80 MHz. Sau khi thiết bị hoạt động, tàu Hằng Nga 4 có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong nhiệm vụ. Đài quan sát vô tuyến là kết quả cộng tác giữa Viện Thiên văn học Vô tuyến Hà Lan (ASTROn) và Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA). NCLE được thiết kế để tìm kiếm những tín hiệu vũ trụ chỉ có thể phát hiện khi ở xa tầng điện ly của Trái Đất. Sau 18 tháng trong vũ trụ, NCLE đã mở các ăng-ten vào tuần trước. "Chúng tôi sẽ có cơ hội thực hiện quan sát trong màn đêm kéo dài 14 ngày trên Mặt Trăng", Klein Wolt, giám đốc quản lý phòng thí nghiệm vô tuyến Radboud Radio Lab, chia sẻ. Tuy nhiên, quá trình mở ăng-ten không diễn ra thuận lợi, do đó hiện nay các ăng-ten chưa mở ra hết cỡ. Đáng lẽ thí nghiệm bắt đầu sớm hơn, nhưng vệ tinh chuyển tiếp phải hỗ trợ robot đổ bộ lâu hơn dự kiến. Nhóm nghiên cứu suy đoán sự trì hoãn này có thể gây ra một số hư hại nhưng họ quyết định vẫn tiến hành quan sát và sẽ cố gắng mở hoàn toàn ăng-ten trong thời gian tới. Với chiều dài ăng-ten hiện nay, Wolt và cộng sự hy vọng có thể quan sát hydro phát ra từ khoảng 800 triệu năm sau vụ nổ Big Bang. Nếu ăng-ten mở rộng hết cỡ, đài thiên văn có thể thu được tín hiệu từ thời kỳ trước khi những ngôi sao đầu tiên ra đời, hé lộ vật chất phân bố như thế nào sau vụ nổ Big Bang và quá trình hình thành sao phá hủy các nguyên tử hydro trung hòa bằng cách nào. An Khang (Theo IFL Science) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress